Tieudaothuquan

0

Báo tuyết trông thấy Vệ Tuân thì sửng sốt mất mấy giây, nó quăng thẳng con cừu trong miệng lên bờ, nhảy hai phát vọt tới gần cậu.

Giờ đang lúc căng thẳng nhất. Vệ Tuân một tay cởi quần áo, tay kia cắm sâu con dao vào miệng cá quỷ, có điều da nó vừa dày vừa cứng, môi dai nhách như da heo rừng, con cá quỷ không thấy đau nên cứ liều mạng lùi về sau.

Vệ Tuân bị giật cho loạng choạng mấy bước, nước hồ đã ngập ngang bắp chân, giờ hoặc là rút con dao ra hoặc là bị con cá quỷ kéo chìm vào lòng hồ. 

Đúng lúc này, báo tuyết lại tới!

Trong cơn lộn xộn Vệ Tuân chỉ kịp truyền ý nghĩ “giúp đỡ”, “hợp tác” cho báo tuyết, nhưng thực tế trước khi cậu truyền đạt ý muốn thì báo tuyết đã nhảy bổ lên lưng con quỷ rồi.

Có lẽ báo tuyết nghĩ Vệ Tuân muốn săn cá khổng lồ nhưng không may “móng vuốt” bị mắc vào con mồi, không thoát ra được. Móng vuốt sắc nhọn như đinh của báo tuyết đâm xuyên qua lớp da dày. Vệ Tuân chưa bao giờ thấy một con mãnh thú săn mồi ở khoảng cách gần như vậy. Mặc kệ con cá quỷ khổng lồ kia giãy giụa vùng vẫy thế nào, báo tuyết vẫn cắn chặt không buông. Móng vuốt sắc nhọn của báo tuyết xé toạc lớp da dày, tạo ra những vết thương máu thịt đầm đìa trên thân con cá.

Rõ ràng là có sự khác biệt về kích thước cơ thể nhưng tiếng gầm trầm khàn như tiếng sấm hung hãn trong cổ họng báo tuyết cùng thân hình thuôn dài săn chắc và mạnh mẽ của nó, tất cả đều thể hiện rõ nét sự quyến rũ nguyên bản và hoang dại của động vật hoang dã. Vệ Tuân không bỏ lỡ cơ hội, cậu nhanh nhẹn rút dao khứa toạc nửa miệng bên phải con cá quỷ. Khi con cá quỷ gào mồm kêu thảm thiết thì nửa cái xác ướt đen kịt kia đã trượt ra khỏi miệng nó, còn sợi dây xích to bằng ngón tay, không biết đã bị giấu trong bụng cá bao nhiêu năm kia cũng đã gỉ sét giòn rụm cả rồi.

Vệ Tuân nhanh tay lẹ mắt chém sợi xích, tiếng leng keng trầm đục vang lên khi dây xích đứt thành từng đoạn, nguyên cái xác đen thui bị bọc kín trong dịch nhầy cùng màng thịt xám đỏ trượt khỏi miệng cá kèm theo đống nước đen thúi rình nghẽn trong miệng nó, kèm theo rất nhiều tạp chất và xương vụn động vật.

Lần này cá quỷ đã nôn sạch sành sanh, nó mệt bơ phờ hết giãy giụa nổi mà nổi lềnh phềnh bên mép nước. Tứ chi và móng vảy như thằn lằn kẹt sâu dưới nước bùn do vùng vẫy nãy giờ, Vệ Tuân rọi đèn pin siêu sáng vào nó mà nó cũng chẳng buồn nhúc nhích.

Sau trận vật lộn thì mình mẩy Vệ Tuân đã ướt nhẹp, cùi không sợ lở cậu lội luôn xuống hồ quan sát tỉ mỉ hoa văn trên thân cá quỷ. Cậu dòm mấy vết thương do móng vuốt báo tuyết cào ra, con cá khổng lồ có hình dáng kỳ lạ, vảy không rõ ràng, giống như con thằn lằn cá da trơn với lớp da vừa dày vừa cứng, lớp da ngoài của nó có màu đen sẫm, lớp kế tiếp thì màu trắng, còn lớp lõi trong cùng mới là máu thịt.

Da cá quỷ chia hai màu rõ rệt, màu đen tượng trưng cho Ác quỷ thì lồi ra ngoài, màu trắng tượng trưng cho Đức Phật thì lõm vào trong.

Vệ Tuân còn phát hiện dấu vết bị xích xỏ xuyên trên mình cá quỷ, móng vảy chân sau vẫn còn sót sợi xích thô bị gỉ sét. Điều này cho thấy con thằn lằn cá, hay còn gọi là Cá rồng này đã từng được con người nuôi dưỡng, người đó khắc hoa văn tranh tường đậm chất tôn giáo lên thân nó và cho nó ăn đồ hiến tế sống.

Con cá lớn thế này không biết đã sống bao nhiêu năm rồi, Vệ Tuân không ước lượng được tuổi cá nên bảo cáo con coi thử, cáo con dòm một hồi thì kết luận ‘con cá này vừa già vừa dai, không thể ăn’.

Nếu không phải bụng cáo con không thể chứa vật sống thì Vệ Tuân đã nhét con Cá rồng vào bụng nó rồi. Cá rồng được nuôi dưỡng ở Tangra Yumco, trên thân hằn rất nhiều dấu vết do con người để lại thì khả năng cao nó có liên quan đến tôn giáo Bon hoặc triều đại Tượng Hùng, biết đâu mai này lại cần đến.

Vệ Tuân ghi nhớ tất cả hoa văn trên thân cá quỷ, sau đó lội lên bờ kiểm tra đống đồ mà nó phun ra.

Báo tuyết thấy cậu không có hứng thú với cá quỷ nên thả móng vuốt, bơi vào bờ lắc mạnh cho khô nước dính trên lông. Nó muốn sáp đến gần Vệ Tuân nhưng ghét bỏ đống xương cốt bùn lầy bẩn thỉu kia, nó đi sang chỗ con cừu bị nó ném lên bờ lúc nãy, vừa liếm móng liếm lông vừa khò khè y hệt con mèo bự nhưng mạnh mẽ hơn để gọi Vệ Tuân.

Báo tuyết không hiểu tại sao Vệ Tuân không thích ăn cừu mà lại đi bới sình, đó rõ ràng không phải là món khoái khẩu của báo tuyết nhỏ mà.

Mé bờ có một đống lớn bầy nhầy như bùn đen, giữa các rãnh bùn còn sót lại nước đen. Vệ Tuân cầm con dao đã hỏng thành gậy gỗ, gẩy gẩy mấy phát vào đống hỗn độn mà con cá quỷ nhổ ra. Có xương cốt, kim loại gỉ sét, cái đầu lâu khắc hoa văn trên đỉnh sọ và cái xác đen ngòm. Làm xong, Vệ Tuân cảm thấy tâm trí mình trống rỗng như bị rút sạch, toàn thân rã rời.

“Báo, đến đây!”

Vệ Tuân gọi báo tuyết, nghĩ nghĩ một chút rồi há miệng “Gừ… Gừ…” vài tiếng.

Thực ra đó là truyền đạt cảm giác biết ơn và vui mừng, may mắn có báo tuyết đến vật lộn với con cá quỷ giúp cậu kéo dài thời gian. Vệ Tuân cảm thấy rất hài lòng.

Báo tuyết nhìn con cừu rồi nhìn Vệ Tuân. Thấy Vệ Tuân không có ý lại chỗ nó, nó do dự hồi thì tự bước qua. Như con mèo lớn đang lo lắng, nó thà đi vòng chứ nhất định không chịu giẫm lên đống bùn dơ, lúc móng vuốt dính phải nước đen thì nó lắc chân thật mạnh như bị co giật.

Vệ Tuân đang cởi quần áo, áo khoác của cậu là loại để đi mưa nên không thấm nước, quần áo bên trong không ướt lắm nhưng bị dính mùi cá, quần và giày cũng phải thay. Vệ Tuân cởi áo khoác, chỉ mặc mỗi cái áo len cashmere màu xám tôn lên vòng eo nhỏ nhắn, những lọn tóc ướt nhẹp dính vào cổ và má. Dưới ánh trăng, trông cậu xinh đẹp huyền ảo như tinh linh dưới hồ Thánh hoá thân thành người. Cái đầu nóng hầm hập dí đến gần, báo tuyết liếm liếm “bộ lông” của Vệ Tuân, liếm đến mức cuộn luôn áo len lên, để lộ mảng da trắng nõn.

Vệ Tuân dung túng xoa tai báo tuyết nhưng bị nó đẩy ngã ra sau, cậu đành cúi người ôm nó rồi dụi dụi như cách động vật hay làm. Vệ Tuân còn kéo áo len lên cho báo tuyết ngửi, sau đó dùng ý thức nói với nó “túi du lịch”, “lông của tao”, “đồ vật có dính mùi tao”.

Vệ Tuân định tắm nhưng làm vậy thì phải giặt thay đồ, nếu có cách nào đó chặn sóng livestream thì hay biết mấy, đáng tiếc… Giờ đành để lộ chuyện cậu có “không gian lưu trữ ” (của cáo con?) này thôi, trước mắt cũng xem như cơ hội tốt.

Vệ Tuân không biết báo tuyết có hiểu được không nhưng thực sự nó chạy rất nhanh, vài phút sau quay lại trong miệng còn đang ngoạm… túi ngủ của cậu. Vệ Tuân muốn nó lấy túi du lịch nhưng đối với báo tuyết có vẻ hơi khó, nó chỉ lấy thứ dính mùi Vệ Tuân đậm nhất thôi. Túi ngủ cũng được, Vệ Tuân làm bộ lục túi ngủ của mình rồi “lục ra” một cái áo khoác và quần sạch.

Sau đó cậu xoè tay, một chuỗi vòng tay bằng ngọc lam và sáp ong chợt hiện ra. Vệ Tuân cầm chuỗi vòng tay, “mài” một phát lên túi ngủ đựng quần áo thì nó lập tức biến mất.

“Đạo cụ lưu trữ đồ vật thật à?”

Vệ Tuân vui vẻ tấm tắc, cậu lấy ra đút vào mấy lần rồi đeo vòng vào cổ tay, lẩm bẩm: “Không ngờ lại có đạo cụ thần kỳ nhường này, phần thưởng nhiệm vụ điểm tham quan phụ cũng quá đỉnh rồi!”

Vệ Tuân đến ven hồ, rửa ráy sơ qua rồi thay quần áo mới. Trước khi bắt đầu hành trình Vệ Tuân đã chuẩn bị rất nhiều thứ, hơn nữa cậu còn cân nhắc xem nên che dấu mấy thứ không dễ lộ để sử dụng trong cuộc hành trình thế nào.

Từ hồi có hồ tiên bám người thì thị lực và khứu giác cậu đã vượt xa người thường, có thể dùng như thói quen của chồn sương. Nhờ chồn sương làm bình phong nên cáo con không bị lộ, chẳng qua không gian lưu trữ thật sự rất có ích. Vệ Tuân từng xem vlog về các vùng Tây Tạng nên đã chuẩn bị trước vài thứ như Thangka[1], tượng Phật nhỏ, vòng tay ngọc lam… Một khi hoàn thành nhiệm vụ nào đó, hoặc qua được điểm tham quan nào đó, cậu cứ việc bịa nói đạo cụ chứa đồ chính là phần thưởng. Vậy thì dù bị phát hiện cũng chẳng sao. Món đồ mà Vệ Tuân thó tay vào rồi, đứa nào dám cướp thì xui ráng chịu.

[1] Thangka (còn được viết là Tangka hay Thanka) là loại tranh vẽ (hay thêu) treo ở các tự viện hay nơi thờ Phật tại gia đình. Thangka chỉ những họa phẩm cuốn lại được. Điều này chỉ ra rằng Thangka rất tiện lợi cho các nhà sư mang đi đến những nơi hành lễ, mang từ tự viện này đến tự viện khác.

Hiện tại Vệ Tuân đã hoàn thành xong nhiệm vụ “Tangra Yumco đen”, vẫn chưa xem phần thưởng.

[Tangra Yumco về đêm về quả nhiên cất giấu bí mật không muốn ai biết. Mấy chục năm qua, kẻ nào đã âm thầm dùng vật tế nuôi Cá Rồng trong hồ và Cá Rồng đó đến từ đâu? Theo truyền thuyết, hằng năm vương tộc Tượng Hùng sẽ làm lễ tế hồ, hóa thân của Rồng Thần đã từng xuất hiện trong hồ, vậy Cá Rồng liệu có phải là Thần Rồng dưới đáy hồ theo truyền thuyết tôn giáo Bon không? Hay nó là hóa thân huyễn hình của ác thần Khyabpa Lagring[2]?]

[2] Khyabpa Lagring được nhắc đến trong truyện là ác thần đối đầu với Bon giáo.)

[Nếu bạn cầm vật phẩm từ Tangra Yumco đi tìm truyền nhân sáo Ưng, có thể ông ta sẽ bằng lòng giải thích những nghi ngờ của bạn và bạn cũng nhận được phần thưởng xứng đáng.]

Tiến độ của nhiệm vụ phụ vẫn là 10%, tức là giờ phải đi tìm truyền nhân sáo Ưng rồi giao thứ mà Cá Rồng nôn ra cho ông ta thì mới tiến vào giai đoạn tiếp theo của nhiệm vụ, và nhận phần thưởng cũng như các manh mối mới sao?

Vệ Tuân rửa ráy sạch sẽ, mãi đến khi không còn ngửi thấy mùi cá tanh nữa mới mặc quần áo sạch vào, đi chân trần lên bờ. Quần áo giặt xong thì bỏ vào túi ngủ mà ủ, nhưng giày thì không thể cho vào túi ngủ được, tính Vệ Tuân khá kĩ.

Cậu chẳng thấy có gì bất thường, trong đống tạp nham Cá Rồng phun ra, thứ quý nhất có lẽ là cái đầu lâu khắc kinh văn cùng xác ướt đen thui kia rồi. Mà nhiệm vụ lại không nói cụ thể nên giao cái gì cho truyền nhân sáo Ưng.

Giờ cậu gom đống xương thối này đi giao thì cũng được, nhưng làm vậy lỡ ảnh hưởng đến tiến độ nhiệm vụ tiếp theo thì sao? Vì xét cho cùng ai cày nhiệm vụ này cũng chưa chắc lấy được cái xác trong bụng cá, nhiều nhất moi trúng cái đầu lâu thôi.

Vệ Tuân lụm đầu lâu nhúm vào nước hồ rửa sạch, sau đó coi kỹ thì phát hiện trên đỉnh hộp sọ có một lỗ tròn to bằng quả bóng bàn khá đều, nãy do bị bùn đất lấp kín nên không thấy, rửa xong thì nó mới lộ ra. Dưới ánh trăng bên trong đầu lâu lấp lánh như được dát vàng, mà trên lớp vàng đó, ngay giữa hộp sọ có đặt một tượng Phật vàng rất nhỏ.

Mà nhìn kỹ, những dòng chữ màu đen trên đỉnh đầu lâu không phải được viết lên mà giống như bị oxy hóa bạc hơn. Dùng những sợi bạc cực mỏng khảm kinh văn lên đầu lâu, đây là một nghề thủ công cực kỳ tinh xảo. Trong hộp sọ mạ vàng, đỉnh hộp sọ khảm bạc, cộng với Phật vàng và kinh văn, hộp sọ này quả thực là một tác phẩm nghệ thuật hiếm có! Rốt cuộc lúc còn sống địa vị của chủ nhân cái đầu lâu cao đến đâu, mà sau khi chết đầu lâu được chế tác kỳ công như này? Còn chui vào bụng Cá Rồng?

Nếu khách sạn có chức năng giải thích thì tốt biết mấy, Vệ Tuân hơi tiếc nuối. Muốn lấy được nhiều manh mối hơn thì phải giao đầu lâu và xác ướt cho truyền nhân sáo Ưng mới được.

Trong lúc Vệ Tuân kiểm tra xác ướt, con Cá Rồng đang giả chết thấy không ai để ý nó bèn lặng lẽ lủi xuống hồ rồi lặn bơi mất dạng. Tangra Yumco là hồ nước sâu nhất ở Tây Tạng, truyền thuyết nói rằng đáy hồ thông với hồ Manasarovar, nhưng sự tồn tại của Cá Rồng lại khiến Vệ Tuân nghi ngờ dưới đáy hồ Tangra Yumco còn có lối đi bí mật khác, liên quan đến di chỉ Tượng Hùng.

Vệ Tuân kệ cho Cá Rồng trốn, vì khi cậu nhìn chăm chú vào cái mồm rộng ngoác của nó thì cảm thấy một sự run sợ trước nguy hiểm hết sức diệu kỳ. Vệ Tuân cẩn thận suy ngẫm, cảm giác này giống y cảm giác lúc cậu phát hiện lệ quỷ Bình Bình trốn dưới vũng nước ở Đắm Say Tương Tây vậy.

Trong bụng Cá Rồng vẫn còn thứ gì đó, hơn nữa còn cực kỳ nguy hiểm. Nếu Vệ Tuân làm tới chỉ sợ nó nhả thứ kia ra, liều mạng với cậu luôn.

Vệ Tuân tính toán đâu vào đấy mới để Cá Rồng đi, nó vẫn còn có ích.

Mới nhìn cái xác ướt rất dễ nhầm với tượng Phật, vì nó đen nhánh như kim loại. Mà khi cầm dao lụi vô mới biết xác ướt đàn hồi dẻo dai như da thuộc, đầu nó cứng như thép, gõ nghe ra tiếng kim loại. Dao leo núi của Vệ Tuân không xài cho chặt xương chém giết, sau trận chiến nó đã sứt mẻ rụng rời. Lúc gõ vào đầu xác ướt thì nó nứt gãy luôn, lưỡi dao sắc bén xẹt ngang đầu xẻo mất miếng thịt xám đỏ. Sau khi cắt bỏ lớp thịt đen bẩn, bên trong vậy mà xuất hiện ánh vàng lấp lánh.

Vệ Tuân lập tức hứng thú. Cậu không dùng dao để chặt nữa mà cẩn thận cạo bỏ lớp màng thịt xám đỏ của cái đầu, dùng sống dao gõ cái đầu nhè nhẹ từ đỉnh đầu đến cằm. Cuối cùng, cậu đưa ra kết luận. Đầu và thân của cái xác rất có thể không cùng một người. Lúc Vệ Tuân kiểm tra thì mấy lớp dơ bẩn màu đen trên đầu cái xác rơi xuống, để lộ từng mảng ánh vàng lấp lánh. Có lẽ nó là đầu lâu vàng chạm khắc, sau đó mới bị may dính vào thi thể.

Mặt mũi nó sống động như thật, đôi mắt là đá quý màu đen, cả khuôn mặt được đắp lên lớp thịt màu xám đỏ. Vệ Tuân vẫn chưa cạo lớp thịt trên mặt nó, thứ nhất là vì lớp thịt dày nhất trên trán nó mọc một bướu thịt to như quả mơ, ở giữa có vết rạch trông như con mắt đang nhắm nghiền. Vệ Tuân cào cào lớp thịt, thấy nó run rẩy giống như đang sống vậy. 

Thứ hai là cái gã ngất lăn ra đất ho sù sụ Nhạc Thành Hoá kia, bất ngờ tỉnh lại rồi.

Khi gã mới ho tiếng đầu tiên, báo tuyết đang buồn chán vì bị Vệ Tuân ngó lơ đã lặng lẽ đi đến. Nhạc Thành Hoá đại nạn không chết ngồi thở hổn hển, mới miễn cưỡng hí mắt ra thì đụng ngay cái miệng dính đầy máu của báo tuyết.

Nhạc Thành Hóa: !!!

“Đừng ăn thứ đó, bẩn.”

Vệ Tuân nghiêng đầu nhìn báo tuyết. Nó vô tội quay đầu ngó cậu, sau đó ghét bỏ xoay mông đi chỗ khác, hai chân sau hung hăng cào tới cào lui như cào đất chôn cứt ngay bên cạnh Nhạc Thành Hoá. Còn Nhạc Thành Hoá thì bị hù cho hồn vía lên mây, xỉu ngang lần nữa.

Thấy báo tuyết không ăn người, Vệ Tuân mới không nhìn nữa. Nếu xác ướt thật sự không có đầu và phải dùng đầu vàng chạm khắc thay thế, vậy có khi nào đầu thật của nó chính là cái đầu lâu mạ vàng nạm bạc kia không? Vệ Tuân nhặt đầu lâu nạm bạc so sánh thử, phát hiện kích thước chúng cũng tương đồng nhau.

Chỉ cần nhìn vào lớp mạ vàng cùng đường khâu của cái đầu bằng vàng trên xác chết là có thể thấy người này có địa vị cao quý khi còn sống, nhưng nếu chúng thật sự của cùng một người thì có nghĩa xác chết này vĩnh viễn chia lìa rồi.

Thời cổ đại dù bị tội chém đầu thì lúc chôn cũng sẽ may lại, đảm bảo sự toàn vẹn của thi thể nhiều nhất có thể. Kiểu xác bị chia ra thế này, thường là những kẻ tội ác tày trời. Hơn nữa sợi xích xuyên qua hai bả vai cái xác, cố định vào con Cá Rồng kia, càng giống cách đối xử với người có tội.

Rốt cuộc, thân phận của người này là gì?

[Chắc là người có địa vị rất cao trong Bon giáo, như vương tử Tượng Hùng chẳng hạn?]

Lúc này phòng livestream của Đinh 1 cũng đang thảo luận hết sức sôi nổi, lượng người xem tăng vọt. Vệ Tuân chọn thời gian rất chuẩn, đúng lúc Đinh 1 âm thầm lẻn ra ngoài, băng qua rãnh nứt đến thôn Nam thăm dò trong đêm. Nghe âm báo điểm tích luỹ liên tục tăng lên, Đinh 1 càng thêm đắc ý cho rằng khán giả bị thu hút bởi cảnh mạo hiểm kích thích trong chuyến khám phá thôn Nam giữa đêm của gã.

Có ngờ đâu nguyên phòng livestream đang khen Vệ Tuân không ngớt mồm, suy đoán về lai lịch của con cá quỷ, xác đen và đầu lâu trong bụng nó. Có kích thích và người đẹp không coi, ai lại đi coi Đinh 1 chứ.

[Truyền thuyết kể rằng, quốc vương Ligmikya đời cuối cùng của Tượng Hùng bị ám sát khi đang hiến tế bên hồ Thánh Tangra Yumco. Sau khi ngài qua đời thì vương quốc Tượng Hùng cũng diệt vong, nhưng thi thể của Ligmikya lại biến mất một cách ly kỳ và không có chút manh mối nào, cũng không bị giấu trong vương lăng. Tụi mày nói coi, cái xác này liệu có phải là vị quốc vương đó không?]

[Chắc không đâu. Mày dòm cái sọ đi, bên trong chạm khắc tượng Phật mạ vàng, bên ngoài thì khảm kinh văn, vậy người này phải là nhân vật quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn trong tôn giáo. Nếu theo vibe của chuyến hành trình, tao mạnh dạn đoán là đại tế tư của Bon giáo!?]

[Tao thấy không giống, có nhân vật quan trọng nào mà đầu thân hai ngả? Cái đầu còn đó không xài, tự dưng đi lấy cái đầu vàng chi?]

[Biết đâu lúc ấy không tìm thấy, hoặc đầu và thân bị để ở hai phe khác nhau? Sau đó đều dùng hiến tế cho Cá Rồng nên mới gặp nhau trong bụng cá?]

[Xuỳ, nói cho nghe nè! Cái đầu mà có tượng Phật mạ vàng ấy, chưa chắc là cao tăng đắc đạo hen. Với tư tưởng tôn giáo nguyên thủy thời đó, nói là tội nhân ma quỷ thì hợp lý hơn đó.]

[Đúng rồi! Rất nhiều giáo phái nguyên thủy tin rằng ma quỷ sống trong đầu kẻ ác, nên bọn họ thường chặt đầu những kẻ tội ác tày trời rồi chia ra chôn.]

[Dùng Phật vàng và kinh bạc trấn áp, thi thể thì chia ra giấu trong bụng Cá Rồng dưới hồ Thánh. Quá ghê luôn, vậy chắc cái xác này là ác ma rồi. Truyền nhân sáo ưng kia cũng nói Đại ác ma Khyabpa Lagring bị phong ấn trong hồ Thánh đó, nhớ không?]

[Đợi Vệ Tuân giao chúng cho truyền nhân sáo ưng, vào giai đoạn 2 của nhiệm vụ phụ là biết ngay thôi mà.]

[Đm, ghê thật! Vệ Tuân trâu vcl! Lúc nó nhận nhiệm vụ phụ, tao còn tưởng là tấm chiếu mới tìm đường chết cơ. Đâu ngờ là đại ca nguy hiểm mà thích tỏ ra ngu.]

[Mới vào nhiệm vụ phụ đã húp được đạo cụ lưu trữ, hên vcc. Giờ mà clean hết nhiệm vụ chắc ôm được cả đống đồ ngon.]

[Nói thiếu kiến thức thì tự ái =)). Đạo cụ lưu trữ kia có là gì đâu, thứ quan trọng là đầu lâu mạ vàng kinh văn bạc và xác chết kia kìa! Tao thề luôn, Vệ Tuân mà mang được chúng về cho khách sạn giám định, kiểu gì cũng là đạo cụ hiếm!]

[Ôi ngon vl! Hổng ấy giờ dẹp mẹ nhiệm vụ, ôm 2 món đó về thôi được không? Chứ sao tao thấy nếu Vệ Tuân có cày hết nhiệm vụ thì đồ ra cũng không ngon bằng hai món này! :<]

[Mắt mày dòm xa ra chút hộ tao cái. Sao mày không nghĩ, mới nhiệm vụ đầu đã húp phần thưởng ngon vậy thì các nhiệm vụ sau đồ sẽ ngon hơn nữa???]

[Tham thì thâm, mày hiểu không? Ăn không chừa ai thì sau này còn cái nịt nữa mà ăn.]

[Chuẩn nha! Tao thấy Vệ Tuân thó cái đầu lâu được rồi, xác thì trả nhiệm vụ đi. Đầu lâu còn giấu được, chứ nguyên cái xác tao không biết giấu chỗ nào.]

[Thì đó! Dù Vệ Tuân có đạo cụ lưu trữ nhưng sao nhét cái xác vào được, không gian có hạn mà… Ủa mà thôi, mồm tao xu lắm, bữa mới đoán Vệ Tuân sẽ bị Đinh 1 hành, không làm nổi nhiệm vụ phụ, đội thì tan đàn xẻ nghé. Giờ mặt tao vẫn còn rát đây, thôi tao im nhe. Vệ Tuân mãi đỉnh!]

Trong lúc đống bình luận đang bay vèo vèo thì Vệ Tuân vẫn ngồi bới đồ, cậu nhặt thêm mấy khúc xương còn nguyên vẹn có điêu khắc hoa văn cùng mấy đoạn dây xích đi rửa sạch sẽ. Đến khi không còn tìm thấy “bảo bối” nào trong đống sình đó nữa mới thôi.

Rồi cậu giả vờ giả vịt gom cả đầu lâu, xác chết cùng đống thứ linh tinh rách nát nhét hết vào “không gian lưu trữ” vòng tay ngọc lam, nhưng kỳ thực là đút cho cáo con, trong lòng còn ân cần hỏi thăm: “Thơm không? Bổ sung cho mày chút đồ ăn ngon nè!”

Cáo con rưng rưng quất mấy bát to.

Có thể tui không phải là người, nhưng cậu thật sự là chó đó!

Bình luận