Tieudaothuquan

0

“Thế mạng”

Một tế đàn được dựng lên cạnh đài Bát Quái lớn nhất ven sông. Các cụ già đứng trên bờ hô hào chỉ đạo mọi người sắp xếp lễ vật đầy đủ, bao gồm mâm ngũ quả, tam sinh và nhang đèn. Bên ngoài tế đàn còn có cả đội kèn trống luôn trong tư thế sẵn sàng. Nhóm ông bà vừa hướng dẫn đám đông bận rộn dưới nước, vừa tán gẫu với nhau, tạo nên khung cảnh vô cùng náo nhiệt.

Hôm nay chính là ngày lễ cúng Thần Sông thường niên của trấn Như Thủy.

Mỗi năm đến ngày này, nhà nhà đều phải đóng góp tiền góp sức cùng nhau chuẩn bị đủ loại đồ dùng cho lễ cúng. Dù trấn Như Thủy mang danh là ‘trấn’, nhưng thực ra chỉ là một thôn nhỏ với hơn trăm hộ dân cư thôi.

Tên gọi ‘trấn’ đã có từ thời xa xưa, cùng với chiếc cổng vòm có khắc chữ ‘trấn’ bị gió mòn nắng táp tồn tại đến nay, cũng tượng tự lễ cúng Thần Sông truyền thống của trấn Như Thủy, đều được truyền từ đời này sang đời khác.

Cách đám đông không xa, dưới mấy gốc liễu bên bờ sông có treo tấm vải đen cũ kỹ như muốn ngăn cách sự huyên náo của lễ cúng bên kia với thế giới tĩnh lặng bên này. Khi làn gió lướt qua những bóng râm của chúng, nó cũng trở nên dịu dàng man mát hơn. Năm chiếc thuyền nhỏ kỳ lạ nằm lặng lẽ được cột sau gốc cây.

Mấy chiếc thuyền mái hiên nhỏ này khá mỏng manh, nếu nhìn kỹ sẽ phát hiện chúng nó được làm bằng giấy cứng, trông chẳng khác nào thuyền đồ chơi cỡ lớn của trẻ con, nhưng thực tế chúng nó là những chiếc thuyền dành riêng cho lễ cúng Thần Sông.

Lễ cúng Thần Sông của trấn Như Thủy mang nhiều phong tục vô cùng độc đáo. Ngoài việc dùng dây đỏ xuyên qua sông, phong ấn năm dòng chảy trên đài Bát Quái cổ, người dân còn chuẩn bị kha khá loại giấy cứng được quét dầu chống thấm nước rồi làm thành thuyền giấy, sau đó đặt hoa tươi, trái cây cùng vài đồ dùng cúng tế lên thuyền.

Hoàn thành xong, những chiếc thuyền giấy sẽ được sơn lên nhiều màu sắc nổi bật, vẽ thêm mấy chiếc mặt nạ sơn dầu, hình dáng nửa người nửa thú trông vừa thần bí vừa quái dị.

Lúc lễ cúng chính thức bắt đầu, người ta sẽ thả những chiếc thuyền giấy chở theo lễ vật này xuống sông để chúng nó xuôi dòng trôi đi, cuối cùng chìm vào lòng sông. Người dân gọi đây là hình thức ‘gửi lễ vật đến cho Thần Sông’, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi nhà yên ấm.

Hiện tại, năm chiếc thuyền giấy đang được buộc dưới gốc liễu ở ven sông. Trên thuyền ngoài hoa tươi và lễ vật, dưới mái thuyền sâu nhất còn chất đầy mấy thứ bị che bằng vải đỏ cao chừng một thước, hình dáng có chút giống đầu và chân.

Ban đầu thuyền giấy vốn có người trông coi nhưng bây giờ người đó đã bị gọi đi chỗ khác, nên không biết được một đứa bé đến từ đâu đang lén lút tiến lại gần.

Đứa bé khoảng chừng hai, ba tuổi, môi đỏ răng trắng, thân hình tròn trịa mũm mĩm, hai tay và chân của ngắn cũn cỡn như đốt ngó sen, mặc bộ yếm đỏ vàng kết hợp cùng quần hở đáy, cực kỳ đáng yêu. Cậu nở nụ cười hiếu kỳ chưa mọc đủ răng, lấm lét tiến lại gần gốc cây, nghiêng đầu ngó nghiêng ngó dọc. Kỳ lạ là xung quanh không ai chú ý đến cậu, để mặc cậu lén lút đi thẳng đến bên những chiếc thuyền giấy chở đầy lễ vật, tận dụng cả tay lẫn chân trèo lên một chiếc trong số đó.

Những chiếc thuyền giấy này không cao lắm, mặc dù chế tác từ giấy cứng nhưng người ta vô cùng chú trọng tới khả năng chịu lực để có thể đặt những lễ vật nặng trịch như đầu lợn, hoa quả lên mà không bị lật. Đáy thuyền có quét một lớp sơn chống thấm nên khi đặt trên mặt nước cũng rất vững vàng, chưa có dấu hiệu thấm nước.

Tuy nhiên, lớp sơn này không chịu nổi sóng gió nên khi thả thuyền xuống sông, không lâu sau nước sẽ ngấm vào và làm chìm thuyền.

Thân hình cậu bé xíu, cao chưa tới nửa mét, cậu leo lên thuyền khiến thân thuyền lắc lư vài cái rồi nhanh chóng ổn định lại.

Cậu như con chuột nhỏ sa vào hũ gạo, đôi mắt to tròn lấp lánh tò mò quan sát tứ phía, tay trái tay phải sờ mó lung tung. Một lát sau cậu cầm lấy quả táo ngửi ngửi, dùng miệng lưa thưa răng cắn cắn. Cắn chán rồi, cậu đặt quả táo xuống, nhặt bông hoa kế bên nhét vào miệng. Người lớn bận rộn đi đi lại lại gần đó, không ai để ý đến nhóc phá phách này.

Chẳng mấy chốc, cậu bé Nguyên Khê chán chơi với đống hoa quả, mắt lại nhìn trúng mấy thứ được phủ vải đỏ dưới mái thuyền, bèn thắc mắc bò qua.

Thế giới của trẻ con hai, ba tuổi khá đơn giản, không có nhiều logic hay hiểu biết thông thường. Nguyên Khê bò đến gần, nhìn thấy cái gì đó giống chiếc giày nhỏ lấp ló dưới lớp vải đỏ thì lập tức nghĩ là một người bạn nhỏ nào đó đang trốn phía trong, chơi trò trốn tìm với mình, dẫu chiếc giày ấy có phần kỳ lạ, làm bằng giấy, hình dáng quái dị…

Nguyên Khê bò đến gần, ‘òa’ một tiếng rồi giật mạnh tấm vải đỏ.

‘Vụt’ — Chỉ trong tích tắc, một cậu bé bằng giấy nằm dưới tấm vải đỏ lộ ra, đối diện với Nguyên Khê đang nằm sấp trên thuyền, mắt chạm mắt.

Khuôn mặt của người giấy trắng bệch như phủ phấn, hai bên má vẽ hai vòng tròn lớn màu đỏ son, trên trán chấm một chấm đỏ, đôi mắt dường như cũng được khai quang bằng chu sa đỏ tươi.

Nguyên Khê vừa vén tấm vải đỏ lên đã giật mình, vì người giấy trông chả giống cậu tẹo nào.

Song, ngay sau đó, đôi mắt tô đỏ của người giấy đột nhiên chuyển động.

“Ơ?” Nguyên Khê thấy vậy, lập tức quên mất nỗi sợ, như thể đây là một người bạn nhỏ có thể chơi cùng. Cậu còn đưa tay ra chọc vào mặt người giấy để xác nhận.

Dưới những đợt trêu ghẹo của Nguyên Khê, đôi mắt của người giấy lại cử động, chọc cậu cười khúc khích.

Một đứa trẻ chưa mọc đủ răng và một người giấy không thể nói chuyện, cứ thế dùng ánh mắt và biểu cảm giao tiếp với nhau.

Cậu cử động đôi mắt, tôi phát một tiếng ‘ê a’.

Nguyên Khê cho rằng người giấy đang chơi với cậu, nên tức khắc nghe theo chỉ dẫn của người giấy, đội tấm vải đỏ của nó lên đầu mình, chờ người giấy kéo tấm vải ra.

Tuy nhiên mới đội vải lên đầu xong, Nguyên Khê đã ngáp một cái, thoáng chốc, cậu thiếp đi dưới lớp vải đỏ, trong khi đôi mắt chu sa của người giấy vẫn chăm chú nhìn mình.

·

Bên bờ sông, một người đàn ông cao lớn đang bận rộn chợt nhìn thấy bóng dáng của một đứa trẻ đang leo lên mép một chiếc thuyền giấy.

“Này nhóc, đừng có chơi lung tung ở đây! Đây là đồ cúng cho Thần Sông, nếu phá phách sẽ bị Tôm Tinh dưới sông bắt ăn thịt đấy!” Người đó thấy vậy lập tức quát lớn từ xa, định bước tới đuổi nó đi.

Đứa trẻ nghe tiếng quát, động tác chợt khựng lại. Nhưng lúc người đàn ông  cao lớn ấy bảo nó rời đi, lời nói của anh ta như thể thần chú hóa giải thuật bất động cho nó. Nó nhanh chóng rút chân còn lại trên thuyền xuống đất, trông không giống đang định lên thuyền mà là vốn đã chuẩn bị xuống từ trước.

Sau khi rời khỏi chiếc thuyền giấy, đứa trẻ không quay đầu lại, cũng chớ thèm nhìn ai mà cứ thế thẳng giò chạy mất. Điệu bộ nó bước đi từ xa nhìn có chút kỳ quặc, nhưng lại khá nhanh nhẹn.

Khoảnh khắc người đàn ông cao lớn tới gần chiếc thuyền, đứa trẻ đã đi khuất tầm mắt. Anh ta không biết đứa trẻ đó là con nhà ai, quần áo trên người nó hơi lạ, tựa tựa phong cách ăn mặc của thiếu gia thời xưa, đầu đội một cái mũ địa chủ nhỏ, tóc tết thành bím ngắn cực kỳ hiếm thấy.

“Con cái nhà ai thế ta?” Người đàn ông cao lớn lẩm bẩm quay người nhìn chiếc thuyền. Vài quả táo và hoa đã lăn xuống, anh ta nhặt lên sắp xếp lại ngay ngắn. Bốn người giấy đồng nam đồng nữ được phủ vải đỏ vẫn còn nguyên dưới mái thuyền, không thiếu con nào.

Anh ta định kiểm tra xem đứa trẻ kia có phá hư người giấy nào hay không, nhưng vừa chạm tay vào tấm vải, một cụ ông đứng gần đó đã vội vàng ngăn cản.

“Này, Trụ Tử, cậu định làm gì? Mấy người giấy này đã khai quang rồi, không thể tùy tiện tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời đâu! Nếu cậu vén tấm vải lên, chúng có thể sẽ chạy mất! Lúc đó nếu Thần Sông thiếu người giấy, Ngài sẽ nổi giận, có khi bắt cậu xuống thế chỗ trống đấy. Mà nhìn cậu to con thế này, chắc Thần Sông cũng không cần đâu.”

Người đàn ông cao lớn nghe cụ ông ngăn cản thì dừng tay, tuy vậy trong lòng anh ta vẫn lẩm bẩm: Có mấy con người giấy mà cũng chạy mất, ông bà xưa đúng là mê tín quá đáng.

Mỗi năm đều bỏ công bỏ của tổ chức lễ cúng này, ngoài việc hao tài tốn của ra chẳng thấy đem lại ích lợi gì.

Nào là cầu cho mưa thuận gió hòa, không bị lũ lụt, chẳng phải đều là nhờ nhà nước xây dựng nhiều công trình thủy lợi sao, có liên quan gì đến cái ông Thần Sông mà chả ai từng thấy đâu chứ?

Mê tín!

Người đàn ông cao lớn thầm bực bội, rút tay lại, không thèm quan tâm đến thuyền giấy nữa.

Bốn người giấy nhỏ vẫn ngồi bất động ngay ngắn dưới mái thuyền, không có gì khác thường.

Nhưng sau khi mọi người rời đi, một cơn gió nhẹ thổi qua mái thuyền, làm tấm vải đỏ khẽ bay lên một góc. Bốn tấm vải đỏ hơi xao động, để lộ ra bốn đôi chân nhỏ. Ba đôi trong số đó giống những đôi chân hình trụ của người giấy bình thường, phần đế được vẽ hình những chiếc giày nhỏ màu đen theo kiểu dáng thời cổ xưa. Mặt khác, đôi chân bên trái lại là chân thật của một đứa trẻ! Đôi chân trắng muốt như mụt ngó sen, cổ chân nhỏ nhắn hiện ra, hoàn toàn khác biệt với những người giấy còn lại.

Ít lâu sau, gió ngừng thổi.

Tấm vải đỏ lại từ từ hạ xuống, che kín bốn đôi chân nhỏ nằm bất động.

“Khướ—— nham sơn xuất vân, sơn tắc thông khí, phong hành vân động, lôi vũ tác yên…”

Lễ cúng chính thức bắt đầu.

Tiếng trống chiêng dồn dập vang lên, các cụ già tiến hành nghi lễ cất tiếng hô to những câu hát bằng tiếng địa phương khó nghe, vừa uống vừa hát, âm điệu lên xuống nhịp nhàng. Nếu lắng nghe kỹ, thì đó là những câu cổ từ, trước tiên ca tụng uy nghiêm của Thần Sông, sau đó cầu mong Thần Sông phù hộ, cuối cùng là kính mời Thần Sông nhận lấy lễ vật cúng tế.

Mấy thanh niên trực chờ sẵn bên bờ sông lập tức tháo dây buộc mấy chiếc thuyền giấy sơn dầu sau tấm vải đen. Khi nhận được hiệu lệnh từ người làm lễ, họ đẩy thuyền xuống nước, băng qua dòng sông, đẩy mấy chiếc thuyền giấy nhỏ về phía giữa sông.

Đám đông xung quanh cũng đồng thanh hô theo điệu của người làm lễ, cùng nhau cất lên những tiếng hô vang dội.

Đúng lúc này, một chàng trai khoảng hai mươi tuổi không biết từ đâu xuất hiện, vẻ mặt lo lắng, nhảy cẫng trong đám đông như đang tìm kiếm thứ gì đó. Nhận thấy xung quanh quá ồn ào, anh ấy kéo đại tay một bà cụ kế bên, hỏi: “Bà ơi, có đứa trẻ nào chạy đến đây chơi không ạ?”

“Hả? Cậu nói gì? Nói to lên chút!” Xung quanh náo nhiệt đến mức bà cụ bị kéo không nghe rõ anh ấy nói gì, cứ liên tục yêu cầu anh ấy nói to hơn.

“Tùng tùng tùng”

“Đang đang đang”

Tiếng trống chiêng càng lúc càng dữ dội, ngay lúc chàng trai định lớn tiếng hỏi lại thì bỗng nghe thấy một tiếng hét lớn: “Ha!” Mấy chiếc thuyền giấy nhỏ bị đẩy mạnh, trôi dần về phía trung tâm dòng sông.

Mấy chiếc thuyền giấy nhỏ lướt qua nhau, chàng trai bên bờ sông vô thức liếc mắt nhìn theo, ánh mắt thoáng lướt qua tấm vải đỏ ở đuôi thuyền bị gió thổi phấp phới, rồi nhanh chóng rút lại.

“Không có, không có, chỗ này loạn lắm, trẻ con không được phép đến đây. Thôi, cậu đừng gây rối nữa, tới chỗ khác tìm đi.” Bà cụ cuối cùng cũng nghe rõ câu hỏi của chàng trai, vội vàng trả lời, sau đó rút tay khỏi tay anh ấy, cất bước đi cùng đoàn người cúng tế.

“Đang đang đang, tùng tùng tùng.”

Đoàn người cúng tế khua chiêng gióng trống, bước đi bằng những bước nhảy kỳ lạ dọc bờ sông, bám sát những chiếc thuyền nhỏ đang trôi. Tiếng trống chiêng vang lên như tiễn đưa mấy chiếc thuyền giấy nhỏ vẽ đầy những gương mặt kỳ quái, nhịp đánh đều đặn đồng điệu với nhịp tiến của chúng nó. Vô số người đứng xem cũng chạy theo dọc bờ sông, đuổi theo những chiếc thuyền giấy đang xuôi dòng, miệng không ngừng hò reo theo lời của cụ già dẫn đầu đoàn.

Chàng trai bị bỏ lại phía sau, nghe nói không có đứa trẻ nào chạy qua đây thì thở phào nhẹ nhõm, lần nữa liếc nhìn mấy chiếc thuyền giấy đang xa dần và đoàn người, sau đó mới rời khỏi.

“Rốt cuộc nó chạy đi đâu nhỉ?” Chàng trai thầm thì, xoay người chuẩn bị chạy đến mấy chỗ cháu trai anh ấy – cậu bé Nguyên Khê hay chơi, để tìm thử.

Năm chiếc thuyền nhỏ giữa lòng sông, được mọi người tiễn đưa, càng trôi càng xa.

.

Lũ trẻ trong thôn thường chạy lung tung, nhà nào cũng có thể ghé qua chơi, còn thích tụ tập với nhau. Nếu chúng chạy đến chỗ nguy hiểm, hễ người lớn nào thấy đều sẽ ngăn lại. Vì vậy, nếu trẻ con mất tích, mọi người cũng không quá lo lắng.

Lý Hoành đã hỏi thăm vài nơi nguy hiểm, ai cũng nói không thấy Nguyên Khê chạy đến đó nên anh ấy yên tâm nghĩ rằng cậu chỉ đang chơi ở nhà ai đó hoặc trốn đâu đó ngủ quên mà thôi.

Bẵng mấy tiếng sau, khi Lý Thúy Nguyệt xong việc trở về nhà không thấy cháu ngoại Nguyên Khê đâu, nghe bà hỏi Lý Hoành mới nhận ra cháu trai vẫn chưa về, lập tức sốt ruột.

Nhà họ Lý bắt đầu rối loạn.

Lúc này, đã mấy tiếng trôi qua kể từ lúc Nguyên Khê mất tích. Lý Thúy Nguyệt dẫn theo con trai út Lý Hoành và con gái Lý Lệ Vân tìm kiếm khắp nơi, từ đầu thôn đến cuối thôn, từ đông sang tây. Họ hỏi thăm từng nhà một, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ, xem có đứa trẻ nào chơi cùng với Thiết Đầu nhà họ không.

Nghe tin có con nít mất tích, người dân cũng xúm tìm phụ. Thế nhưng sau khi hỏi thăm khắp nơi vẫn không thấy tung tích gì, bởi vào thời điểm đó, hầu hết mọi người đều bận rộn với lễ cúng Thần Sông, thậm chí chẳng ai từng trông thấy Nguyên Khê.

Thời điểm hỏi đến Trụ Tử, người đã canh giữ thuyền cúng ở bờ sông, anh ta bỗng nhớ bản thân từng thấy một đứa trẻ đứng cạnh một chiếc thuyền, nên luôn miệng nói thêm: “Tôi có thấy một đứa nhỏ chỗ bờ sông, nhưng độ tuổi có vẻ không trùng lắm, không giống cháu trai nhà thím.”

Lý Thúy Nguyệt nghe vậy, lòng càng thêm rối bời, bất kể Trụ Tử nói có khả năng không phải, bà vẫn gấp gáp truy hỏi: “Đứa nhỏ đó trông như thế nào? Sao lại không trùng? Nó chạy đi đâu rồi?”

Trụ Tử lập tức nhớ kỹ lại bóng lưng của đứa trẻ anh ta đã nhìn thấy: “Thằng nhóc đó cao chừng nửa thân người lớn, trông tầm năm, sáu tuổi, mặc một bộ áo khoác nhỏ màu đỏ đen, đầu đội mũ quả dưa giống mấy thiếu gia địa chủ thời xưa vậy…”

Nghe tới đây, Lý Thúy Nguyệt thêm thất vọng, vài người dân giúp tìm kiếm cảm thấy có gì đó không ổn.

Thôn bọn họ làm gì có đứa trẻ nào ăn mặc kiểu thế?

Mà hôm nay, vào đúng dịp cúng Thần Sông, trong mớ lễ vật dâng lên cho Thần có bốn người giấy, gồm hai cặp đồng nam đồng nữ, ăn mặc cũng rất giống miêu tả…

Không lẽ một trong số người giấy được khai quang đã chạy mất khiến Thần Sông khi nhận lễ phát hiện thiếu người, nên tiện tay bắt Nguyên Khê thế chỗ?

Một số người bắt đầu suy nghĩ lung tung, muốn nói ra lại không dám. Cuối cùng họ chọn im lặng, sợ Lý Thúy Nguyệt đang lo lắng cho cháu, nếu nói ra điều này sẽ bị đánh nên chỉ biết tiếp tục tìm kiếm.

Màn đêm ở trấn Như Thủy được chiếu sáng bởi từng ngọn đèn pin, tiếng gọi tìm người vang vọng khắp núi đồi. Tuy nhiên, càng về khuya, hy vọng tìm thấy cậu càng trở nên mong manh. Nhiều chiếc đèn pin của người dân đã gần hết pin, làm vài người bắt đầu nản lòng, khuyên Lý Thúy Nguyệt nên dừng lại.

Lý Thúy Nguyệt lo lắng đến đỏ mắt, vừa mắng vừa đánh con trai Lý Hoành, vẻ mặt đầy ân hận. Nhưng ngay lúc bà gần như tuyệt vọng, bỗng nghe thấy tiếng khóc quen thuộc của trẻ con vang lên từ đâu đó.

“Mấy đứa có nghe thấy không! Đây có phải là giọng của Thiết Đầu không!?” Lý Thúy Nguyệt không dám tin, nắm chặt con gái Lý Lệ Vân, gấp gáp hỏi, lại quay sang hỏi con trai Lý Hoành.

Lý Lệ Vân ngẩn người, sau đó lắng tai nghe, quả thật đã nghe thấy âm thanh ấy.

Tiếng khóc ‘oa oa’, tuy không lớn nhưng có thể nghe loáng thoáng, dường như phát ra từ sông Như Thủy.

“Mẹ ơi, ở bên kia!” Lý Lệ Vân vội chạy về phía tiếng khóc, Lý Thúy Nguyệt và những người khác cũng lập tức chạy theo.

Cả nhóm lao nhanh về phía sông Như Thủy, vừa chạy vừa nghe tiếng khóc càng lúc càng trở nên quen thuộc, rõ ràng hơn.

“Đúng là Thiết Đầu rồi!” Lý Thúy Nguyệt vui mừng khôn xiết, những người khác cũng gọi lớn tên thân mật của Nguyên Khê: “Thiết Đầu, Thiết Đầu.”

Nhưng khi đến bờ sông, tiếng gọi của mọi người dần dần nhỏ xuống, cuối cùng im bặt.

Trên mặt sông, một chiếc thuyền nhỏ bằng giấy cứng đang đung đưa theo làn gió nhẹ, từ phía xa đang trôi lại gần.

Mọi người nhìn nhau, ánh mắt đầy ngờ vực, quan sát chiếc thuyền nhỏ đang tiến về phía họ, không dám lên tiếng.

Đây chính là chiếc thuyền giấy dùng để chở lễ vật trong buổi lễ cúng Thần Sông vào sáng hôm nay.

Chế tác thuyền giấy nhỏ là nghề truyền thống của thôn họ, những chiếc thuyền giấy được sơn một lớp sơn đặc biệt chống thấm nước. Dù thuyền rất chắc chắn, có thể chịu tải trọng lên đến trăm cân mà không chìm, nhưng lớp sơn chỉ có thể chống thấm trong ba đến bốn tiếng. Sau đó khi tiếp xúc với nước, thuyền sẽ dần tan rã, đưa lễ vật chìm xuống sông.

Thời gian ngấm nước luôn được tính toán kỹ để đảm bảo thuyền giấy sẽ trôi đến giữa sông đúng lúc, đưa lễ vật hoàn chỉnh đến trước mặt Thần Sông.

Nhưng chiếc thuyền trước mắt lại hoàn toàn trái với mọi dự đoán của họ. Từ lúc bắt đầu lễ cúng đến giờ đã hơn mười tiếng, thuyền không những không chìm xuống đáy sông như tính toán, mà còn nương theo gió nhẹ quay ngược về!

Vào ban ngày, các họa tiết mặt nạ dầu màu sắc sặc sỡ trên thân thuyền trông có vẻ trang nghiêm, phù hợp với không khí lễ cúng bao nhiêu, bây giờ chìm bóng đêm lại trở nên ma quái lạnh lẽo, rợn người bấy nhiêu.

Nhiều người bắt đầu lo lắng, có chút kiêng kỵ.

“Thiết Đầu!” Lý Thúy Nguyệt tinh mắt, nhận ra đứa trẻ đang khóc oa oa dưới mui thuyền chính là đứa cháu ngoại bà đang tìm kiếm khắp nơi. Bà mặc kệ mọi người xung quanh, gấp gáp lội xuống sông.

Những người khác thấy vậy không thể đứng yên, vội vã tiến lên giúp đỡ.

Lý Thúy Nguyệt ôm chặt Nguyên Khê, vừa vỗ vừa dỗ dành, chẳng mảy may chú ý đến điều gì khác.

Kỳ lạ thay, đúng lúc Nguyên Khê được bế lên, cơn gió nhẹ thổi trên mặt sông cũng lặng mất. Có người lén lút nhìn vào chiếc thuyền giấy vừa quay trở lại, phát hiện những lễ vật vốn được bày đầy bên trên đều đã biến mất, chỉ còn mỗi Nguyên Khê ngồi đó!

Không còn gió giúp sức, chiếc thuyền giấy thoáng chốc dừng lại rồi bắt đầu trôi ngược dòng. Có người muốn đưa tay ngăn chặn, nhưng bị những người kiêng kỵ giữ cản lại. Cuối cùng, tất cả người dân đều chỉ có thể lặng lẽ nhìn chiếc thuyền từ từ trôi xa, dần dần khuất dạng trong tiếng khóc của Nguyên Khê.

Càng trôi xa, chiếc thuyền càng ngấm nhiều nước, tựa như lớp sơn chống thấm đúng lúc này mới bắt đầu tan ra, chưa kịp khuất khỏi tầm nhìn của mọi người đã chìm vào đáy sông.

Ai nấy đưa mắt nhìn nhau, không thốt nên lời.

_______

Lời tác giả:

[Câu chuyện này hoàn toàn là hư cấu, xin mọi người tin vào khoa học. Bối cảnh trong truyện là giả tưởng và toàn bộ nội dung đều do tác giả bịa đặt, không liên quan đến bất kỳ sự kiện thực tế nào. Xin đừng học theo hay thử làm những điều trong truyện, không có tác dụng gì đâu nhé. Cảm ơn mọi người.]

Tôi bắt đầu viết truyện mới rồi đây.

Dựa theo những giấc mơ kỳ lạ từ bé đến giờ, tôi đã đào bới ra bốn con ma có tạo hình đặc biệt nhất để đưa vào truyện làm phản diện. Hy vọng mọi người sẽ thích!

Bình luận

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x