“Sinh mệnh thực sự mỏng manh như giấy.”
…
“Veeee…Veee…” – Tiếng ve kêu râm ran, ồn ào vang không ngớt từ rừng cây ngoài nhà, thỉnh thoảng có xen lẫn thêm tiếng ếch nhái từ con mương cạn hay ao hồ vọng lại.
Âm thanh ếch kêu ve gọi hòa vào bầu trời đêm hè, nương theo làn gió đêm oi ả len lỏi khắp nơi. Thế nhưng, khi đến bên căn nhà cũ của gia đình họ Lý nằm gần đường cái, nơi cánh cửa chỉ hé mở một phần tư, âm thanh ấy bỗng chốc trở nên yếu mất ba phần, như thể bị ngăn cách khỏi vòng tròn nhỏ đang kể chuyện ma bên trong.
“Bà ơi, vậy có phải ông Thần Sông đã đưa Thiết Đầu về không ạ?” Một cô bé chừng bảy, tám tuổi ngồi bên mép giường tre ngẩng đầu hỏi.
Tối nay cúp điện, thời tiết oi bức, Lý Thúy Nguyệt rảnh rỗi bèn lôi chiếc giường tre ra hành lang dưới mái hiên, cùng mấy đứa nhỏ nằm hóng mát.
Trẻ con hiếu động, nằm giường tre không chịu yên, cứ nằng nặc đòi Lý Thúy Nguyệt kể chuyện, mà nhất định phải là chuyện ma.
Lý Thúy Nguyệt vốn không có hứng thú với mấy thể loại chuyện thần bí, trong đầu không có sẵn câu chuyện nào để dỗ đám trẻ, thế là bà đành kể lại vài sự kiện bất thường bản thân từng trải qua từ xưa đến nay.
Hiện tại, bà đang kể đến lần Nguyên Khê hồi nhỏ suýt bị Thần Sông bắt đi, mấy đứa trẻ nghịch ngợm đều mở to mắt lắng nghe, chờ bà kể xong mới dám cất giọng hỏi.
Thấy chị Tâm Tâm thắc mắc, Nguyên Khê – nhân vật chính của câu chuyện – lập tức dựng tai lên, cậu cũng tò mò: “Bà ơi, sao cháu không nhớ gì hết, sông nhà mình thực sự có Thần hả bà?”
Cánh cửa lớn mở một nửa bên trái như một ô cửa sổ nhỏ, thỉnh thoảng đón được chút gió lùa vào đỡ nóng. Lý Thúy Nguyệt cầm cây quạt lá chuối đã sờn, lâu lâu lại quạt vài cái cho mình hoặc đứa trẻ nào đang mồ hôi.
Lý Thúy Nguyệt vừa quạt vừa không vui gõ nhẹ vào quả đầu đang ngóc lên của Nguyên Khê: “Làm gì có Thần Sông nào, cháu chỉ gặp may thôi.”
Câu nói dứt khoát của Lý Thúy Nguyệt như gáo nước lạnh. Mọi ảo tưởng mới nhen nhóm trong lòng đám trẻ lập tức bị dập tắt.
Tâm Tâm phản ứng ngay: “Sao lại không có Thần Sông chứ? Thế thì ai đã đưa Thiết Đầu về?”
Nhóc con Nguyên Khê với biệt danh là Thiết Đầu, không chịu kém, hùa theo: “Đúng đấy, thế thì ai đã đưa cháu về?”
Lý Thúy Nguyệt nghiêm túc đáp: “Bà đã nói là nhờ có gió. Hồi đó ai biết cháu nghịch ngợm đến mức trèo lên thuyền giấy chứ, cả thôn tìm khắp nơi không thấy, làm bà lo gần chết. May mà cháu phước lớn mạng lớn, chất keo của con thuyền đó tốt, lại trúng dịp có gió, bằng không cháu đã lọt thỏm xuống sông làm mồi cho cá rồi.” Kể chuyện thì kể chuyện, nói tục lệ thì nói tục lệ, dẫu vậy Lý Thúy Nguyệt chưa bao giờ chịu nhắc đến chuyện Thần Sông trả cháu bà về.
Dù không thể hiện rõ, nhưng Lý Thúy Nguyệt vốn là người không tin vào Thần Thánh. Cho dù đi đêm đối mặt với ma, bà vẫn nghĩ đó là ảo giác của bản thân, huống chi là chuyện của Nguyên Khê, bà cho rằng tất cả là nhờ cháu bà phước lớn mà thôi.
Tâm Tâm và Nguyên Khê không khỏi thất vọng, thở dài tiếc nuối. Song, anh họ Tiểu Vũ của Nguyên Khê lại chẳng mấy hứng thú với chuyện này, cậu bé nũng nịu quay sang nài nỉ Lý Thúy Nguyệt kể chuyện khác: “Bà ơi, chuyện này hình như cháu nghe rồi, lần trước bà đã kể qua đúng không? Chán lắm, kể chuyện nào thú vị hơn đi bà!”
Tốt nhất là kể một câu chuyện mà cậu bé là nhân vật chính!
“Chán chỗ nào, đây là lần đầu tiên em và Thiết Đầu nghe bà kể mà!” Tâm Tâm khó chịu khi Tiểu Vũ chen ngang, cô bé không từ bỏ, tiếp tục truy hỏi: “Bà ơi, nếu không phải nhờ ông Thần Sông, vậy sao Thiết Đầu bệnh nặng như vậy mà về nhà chỉ mới hai ngày là khỏi hả bà?”
Nguyên Khê lần nữa trở thành trung tâm chủ đề bàn tán, cậu chớp mắt, lại hùa theo chị họ, hỏi: “Đúng đó bà, tại sao cháu khỏe lên nhanh vậy?”
Ba mẹ của Nguyên Khê làm việc ở thành phố, từ nhỏ cậu đã được gửi về quê cho nhà ngoại chăm sóc ở thôn Như Thủy. Mãi đến hè năm nay, Nguyên Khê vừa tròn sáu tuổi, cậu mới được ba mẹ đón lên thành phố, dự định cho cậu nhập học cấp 1. Nào ngờ vừa đến nơi, Nguyên Khê lập tức đổ bệnh.
Còn là bệnh rất nặng.
Dạo trước Nguyên Khê bị nôn mửa, tiêu chảy, và sốt cao liên tục. Ba mẹ đã đưa cậu đến bệnh viện rất nhiều lần, nhưng bệnh tình vẫn cứ tái phát, mãi không tốt lên được. Cậu gần như mê man hơn nửa tháng, tình trạng đáng sợ đến mức ba mẹ đã thủ sẵn tinh thần chuẩn bị lo hậu sự cho cậu.
Có bệnh mới lo tìm thầy, không biết ba mẹ Nguyên Khê nghe lời ai mà quyết định đưa cậu trở về quê.
Thần kỳ thay, dù không cần dùng thuốc, Nguyên Khê vốn luôn đau ốm triền miên ở thành phố lại bình phục chỉ sau hai ba ngày quay lại thôn.
Giờ đây, cậu đã hoàn toàn khỏe mạnh như hồi chưa rời khỏi, tuy gương mặt đã gầy đi nhưng cậu lanh lợi hoạt bát trở lại như trước kia.
Người ở thôn ai cũng cảm thấy kỳ lạ, nhiều người xì xào bàn tán, bảo nhau nhất định có huyền cơ gì đó trong này. Tuy nhiên với quan điểm của Lý Thúy Nguyệt, bà vẫn nghĩ chuyện này chỉ là ngẫu nhiên: “Trùng hợp thôi, Nguyên Khê từ bé lớn lên ở đây, lần đầu lên phố không hợp đất nên mới bệnh tới bệnh lui, giờ về là khỏi ngay ấy mà.”
“A…” Đám trẻ thất vọng, tiếng than thở càng to hơn.
Mặc dù không hiểu ‘không hợp đất’ là gì, nhưng nghe bà nói chắc nịch như vậy, mọi ảo tưởng của chúng lại tan vỡ thêm lần nữa.
Nguyên Khê sức nhớ tới một chuyện, vội bật dậy hỏi: “Bà ơi, lễ cúng Thần Sông năm nay khi nào tổ chức ạ?”
Lý Thúy Nguyệt đáp: “Lâu rồi không tổ chức nữa.”
Nguyên Khê ồ lên một tiếng ngồi phịch xuống, chiếc giường tre kêu kẽo kẹt, suýt nữa cậu đã rớt khỏi giường nhỏ, may mà Lý Thúy Nguyệt nhanh tay chụp kịp.
Tiểu Vũ đang cố tỏ vẻ không quan tâm, cũng không khỏi thất vọng, thắc mắc: “Sao không tổ chức nữa hả bà?”
“Tại nó vô ích, tốn tiền tốn sức, làm chi cho mệt.” Lý Thúy Nguyệt đỡ Nguyên Khê ngồi vững.
Xã hội bây giờ đổi mới rồi, lớp trẻ bắt đầu hướng ra thế giới bên ngoài và dần dần bài xích các phong tục tập quán xưa cũ, đặc biệt là các nghi lễ như cúng bái Thần Thánh, vốn luôn bị xem là mê tín dị đoan, lãng phí công sức tiền của mà chẳng được tí lợi lộc nào.
Suốt hai năm qua, đã có dăm ba trận tranh cãi định tổ chức lại nhưng kết quả không đâu vào đâu, giờ thì bỏ hẳn rồi.
Không tổ chức cũng tốt, bằng không mỗi nhà lại phải tất bật ngược xuôi. Hồi trước vì chuẩn bị cho lễ cúng, nhà bà bận đến mức xém lạc mất cháu ngoại khiến Lý Thúy Nguyệt sợ mất mật.
Hiện tại chỉ còn mấy ông bà cụ trong thôn, cứ hễ kỳ lễ là than ngắn thở dài, sợ bị Thần Sông quở phạt.
Ấy thế mà mấy năm nay, trời yên biển lặng, không thấy tung tích Thần Sông đâu hết. Điều này làm những người luôn cho rằng lễ cúng bái cực kỳ vô nghĩa trong thôn càng thêm vững tin vào quan điểm của bản thân, vì vậy họ càng lười chú ý đến mấy cụ già vẫn hoài niệm đống phong tục cũ kỹ.
“Mẹ ơi—”
Tiếng gọi vang lên ngoài cửa, Lý Thúy Nguyệt nhìn qua khe cửa, thấy con gái út và ông ngoại Nguyên Khê về đến bèn đứng dậy, dịch chiếc giường tre ra để mở cửa.
Lý Thúy Nguyệt tiện tay đưa chiếc quạt lá chuối đang cầm cho đứa nhỏ nhất trong đám là Nguyên Khê. Ba đứa nhóc bị đuổi sang một bên nhìn bà mở cửa, sau đó như ong vỡ tổ ùa tới vây quanh Lý Lệ Vân và ông ngoại.
Mấy người Lý Lệ Vân mang về một túi nến, diêm, cùng vài cục pin dự phòng cho đèn pin.
“Tối nay chắc không có điện đâu, nghe nói người ta đang sửa đường dây, có khi phải cắt điện tận hai, ba hôm. Con mua thêm nến để phòng hờ.”
Bộ ba đám Nguyên Khê lập tức kêu gào đau khổ, không có tivi xem, cũng không có quạt điện thổi mát, mùa hè này đúng là chướng khí mà!
Tuy nhiên, chẳng mấy chốc bọn nhóc đã bị những ngọn nến thắp sáng hấp dẫn.
Tay trái Nguyên Khê cầm cây nến, tay phải cầm quạt lá chuối, nhìn anh chị theo chân dì vào nhà đặt nến, cậu cũng hăm hở định chạy theo nhưng nhớ tới câu chuyện vừa nghe, cậu chợt khựng lại, rồi khi cất bước đi tiếp, điệu bộ trở nên uyển chuyển hơn hẳn, lưng eo thẳng tắp, trông có hơi ra vẻ.
Dù sao cậu cũng là người được đích thân Thần Sông đưa về, là nhân vật chính của câu chuyện mà!
Nguyên Khê không tin không có Thần Sông như bà nói, hầu hết mọi người trong thôn đều nói có, chắc chắn bà đang lừa cậu thôi!
Nguyên Khê vừa tạo dáng bước đi theo hình chữ Bát (八), tay vừa phe phẩy chiếc quạt lá chuối bà đưa, lòng đầy tự mãn vì cảm thấy bản thân đặc biệt hơn bất kỳ ai.
Tâm trạng cậu cực kỳ vui vẻ.
“Làm gì đấy, Thiết Đầu? Con mới khỏi bệnh, mau vào ngủ đi.” Dì Lý Lệ Vân phát hiện Nguyên Khê đang lẻ loi một mình nên nghía đầu ra gọi, chị Tâm Tâm cũng nghiêng đầu gọi theo dì.
“Con đến ngay đây!”
Tướng đi như cua bò của cậu khiến Lý Lệ Vân vừa ứa mắt vừa mắc cười. Chờ cháu trai tới gần, cô ấy không kìm lòng được xoa nắn khuôn mặt tròn nhỏ của cậu, hôn một cái.
Ngọn nến đầu giường đã cháy hết một nửa.
Nguyên Khê nửa mơ nửa tỉnh nằm trong chăn. Cậu cảm thấy bản thân hình như đã phát sốt đến mức mông lung rồi, cơ thể cứ chao đảo như đang được ai đó bế chạy. Nguyên Khê hơi hí mắt thì trông thấy mẹ mình.
Không phải mẹ đang ở thành phố sao? Sao mẹ lại bế cậu? Mà mẹ định bế cậu đi đâu đấy?
Nguyên Khê nhìn mẹ lo lắng bế cậu vào một sân nhà. Vào đến nơi, cậu bị màn khói làm cho tỉnh dậy trong trạng thái gần như kiệt sức và loáng thoáng thấy trong sân có một cái vại lớn chứa đầy tro nhang. Nhưng chưa kịp nhìn rõ, cậu đã bị đưa vào một căn phòng tối om.
Xung quanh dường như bị bao phủ bởi màn sương mù đen kịt, Nguyên Khê cố gắng mở mắt nhưng không tài nào mở nổi. Dẫu vậy, kỳ lạ thay cậu vẫn mơ màng thấy được mọi thứ xung quanh, dù chẳng rõ ràng chút nào.
Nguyên Khê loáng thoáng nhận ra một cái bàn thờ, bên trên có đặt hơn chục bức tượng Thần lớn nhỏ, bên dưới là đủ loại lễ vật, nhang đèn và lư hương. Đôi mắt của các tượng Thần nhìn từ bất kỳ góc độ nào cũng như đang trừng trừng vào cậu.
Một bà cụ tóc bạc phơ tiến lại gần, Nguyên Khê ‘thấy’ bà cụ cúi xuống quan sát mình. Đôi mắt trắng dã của bà cụ như đang ‘giao tiếp’ với đôi mắt nhắm nghiền của cậu.
Ánh mắt của bà cụ làm Nguyên Khê cảm thấy như không còn chỗ nào để trốn tránh.
“Đồng tử của Thần Sông.”
“Người giấy thế mạng!”
Nguyên Khê nghe thấy tiếng mẹ và bà cụ đang trò chuyện bên tai.
Tai cậu như bị úng nước, hễ có âm thanh lọt vào, nó sẽ phát ra tiếng ù ù dai dẳng. Thế nhưng khi họ đề cập đến hai cụm từ này, Nguyên Khê lại nghe vô cùng rõ ràng, rõ đến mức giống như cậu vừa tỉnh dậy khỏi cơn mơ vậy.
Giọng mẹ cậu đầy lo lắng, càng nói càng gấp, nước mắt tựa chừng muốn tuôn ra, có vẻ như đã nghe được tin gì đó rất xấu.
Nguyên Khê cố tập trung, dựng thẳng tai lắng nghe. Âm thanh ù ù cuối cùng cũng rõ ràng hơn chút.
“Bà già tôi sống tới từng này tuổi, đã gặp qua biết bao chuyện dị thường, nhưng trường hợp này vẫn là lần đầu tiên. Thằng bé bị một đồng tử bằng giấy, được chuẩn bị dùng để tế lễ kéo đi thế mạng. Hiện giờ trên người nó đang mang số mệnh của người giấy. Trên đời có vô số loại số mệnh, hiếm có loại nào quái lạ như vậy.”
“Sinh mệnh thực sự mỏng manh như giấy.”
Người giấy thế mạng?
Là đang nói về cậu hả?
Nguyên Khê sững sờ, âm thanh bên tai lại trở nên mơ hồ, chỉ nghe lờ mờ những từ như ‘khó nuôi’, ‘sợ nước sợ lửa’, ‘yêu ma quỷ quái bắt nạt’, vân vân mây mây.
Nguyên Khê giữ cho mình tỉnh táo, âm thanh dần rõ hơn. Và khi cậu chú ý kỹ, cảnh vật trước mắt qua mí mắt cũng ngày càng rõ nét. Cậu thấy biểu cảm của mẹ và bà cụ, một người lo lắng tột độ, người kia thì trầm ngâm, nghiêm nghị.
“Nếu muốn nó khỏe mạnh, các người phải nhanh chóng đưa thằng bé trở về ngay. Ở xa quá lâu, e rằng thần tiên cũng khó cứu.”
Mẹ Nguyên Khê tràn ngập hy vọng hỏi: “Vậy có phải đợi nó lớn thêm chút nữa là ổn không? Chờ nó lớn thêm hai tuổi là có thể đưa lên thành phố đi học?”
“Không được, tuyệt đối không được. Đừng nói hai tuổi, dù nó lớn thêm mười tuổi cũng không được. Hơn nữa, thằng bé ở trong thôn các người cũng chưa chắc an toàn… Dù sao trước hết đừng để nó rời thôn, nuôi đến mười tám tuổi xem tình hình rồi tính tiếp.” Bà cụ ngập ngừng, lời nói mang đậm hàm ý sâu xa, như là có vấn đề gì không tiện nói huỵch toẹt ra.
Vẻ mặt mẹ Nguyên Khê u sầu: “Thằng bé lớn rồi, cần phải đi học chứ. Bà có cách nào giúp hóa giải cho cháu nó được không?”
“Không giải được, đây không phải trường hợp bình thường.”
“Bà làm ơn nghĩ cách giúp tôi đi, bây giờ mới là cấp một, sau này còn cấp hai, cấp ba, và đại học nữa. Chẳng lẽ con tôi phải ru rú mãi trong cái thôn nhỏ này suốt đời ư? Thế thì tương lai nó còn hy vọng gì nữa!” Giọng mẹ Nguyên Khê càng lúc càng chua xót, thậm chí bắt đầu oán trách chính cái thôn nhỏ nơi bản thân lớn lên.
Trước sự nài nỉ không ngừng của mẹ Nguyên Khê, bà cụ cuối cùng cũng có chút nhượng bộ.
“Trừ phi…”
Trừ phi gì?
Nguyên Khê vểnh tai định nghe, thế nhưng đột nhiên cậu cảm thấy buồn tiểu.
Rất buồn!
Nếu không đi xả ngay, cậu sẽ tè ra quần mất.
———
Lời tác giả:
Bối cảnh câu chuyện diễn ra vào khoảng mười năm trước, khi mức chi tiêu và điều kiện sống thấp hơn so với hiện tại, vì vậy chuyện mất điện cũng diễn ra khá thường xuyên. Bấy giờ, nhân vật chính Nguyên Khê mới hơn 6 tuổi. Khi viết cuốn sách này, tôi hay hồi tưởng lại những chi tiết thời thơ ấu và cố gắng truyền tải cảm giác ngày xưa, nên có lẽ nhịp độ viết hơi chậm rãi.
Bình luận