Tieudaothuquan

0

Ninh Thu Nghiễn sống ở thành phố ven biển, nhưng cậu ra biển vỏn vẹn được hai lần. Hồi còn nhỏ, cậu vừa bận chuyện bài vở vừa bận tập đàn, gia cảnh chẳng khá giả là bao nên hiếm khi có dịp được đi chơi ở mấy hòn đảo nổi tiếng là thắng cảnh du lịch gần đó. Mà một trong hai “kỷ niệm nhớ đời” ấy lại là bị lật thuyền, may mắn mọi người đều mặc áo phao, nhưng lúc được cứu lên Ninh Thu Nghiễn mới hay có hành khách đã chết đuối. Thi thể người đó phủ vải trắng, đặt trên boong tàu sát bên chỗ cậu. Mẹ ôm cậu thật chặt, còn cậu thì trốn trong lòng mẹ chỉ dám hé một con mắt ra nhìn. Từ đó cậu không đi biển nữa nên không biết mình say sóng, may thay dù sóng to gió lớn con tàu chao đảo tròng trành nhưng nó vẫn lướt rất ổn định. 

Lúc được đánh thức khỏi cơn mê mang, Ninh Thu Nghiễn tưởng đâu mình sắp chết đến nơi luôn rồi. Thậm chí cậu còn tưởng tượng ra cảnh cái xác trương phềnh biến dạng của mình, bị cảnh sát biển vớt lên rồi bỏ trên boong tàu. Cửa khoang mở toang, gió lạnh ùa vào, bên trong khoang không một bóng người. Ninh Thu Nghiễn siết chặt cổ áo ngồi dậy, nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ. Trời vẫn tối mịt mù nhưng gió dường như đã thôi giận dữ. Hoa tuyết lả tả rơi, hạt tuyết vừa chạm lên mặt biển đã tan vào làn nước. 

Giữa làn sắc thẫm xanh hòa cùng với nền xám lạnh ấy, bóng dáng hòn đảo dần dần hiện ra.

Sóng biển lạnh lẽo vỗ vào bãi đá ngầm ven đảo, phóng mắt ra xa là hàng dãy núi trập trùng, loáng thoáng còn thấy bóng rừng cây um tùm dưới chân núi. 

Bọn họ đã đến đảo Độ an toàn.

“Chuẩn bị xuống tàu đi!” Chú Bình xuất hiện ngay cửa khoang, nói: “Người trên đảo đến đón cháu rồi.”

“Vâng ạ.” Ninh Thu Nghiễn thều thào đáp. 

Sau khi chỉnh lại mũ nón tươm tất, cậu xách hành lý đi ra boong tàu. Với cái lạnh của tiết trời này thì hơi thở phả ra cũng hóa thành sương trắng. Chỗ bọn họ cách bến tàu không xa, từ nơi đây nhìn lại đã có thể trông thấy một chiếc xe tải, một chiếc ô tô nhỏ và vài bóng người đen đen đang đứng bên bến. Trên tàu có rất nhiều hàng hóa, hẳn những người này đến để chuyển hàng. Tàu chậm rãi cập bờ thả neo, tiếng xích sắt nặng trĩu vang lên, chú Bình hạ tấm ván cầu xuống để người trên tàu lên bờ. Mấy chú chim biển chao thấp, bay xẹt qua cột buồm. 

Đúng lúc này lại có chuyện xảy ra!

Ninh Thu Nghiễn vừa mới nhấc chân thì đã bị ai đó va mạnh vào ba lô. Cậu chợt ngã ngửa, tay trái xách hộp đàn, tay phải theo phản xạ chụp lấy mép tàu để giữ cho mình không bị ngã. Lòng bàn tay đột nhiên đau nhói, cậu buột miệng kêu lên một tiếng “A!” đau đớn. Máu tươi lập tức tứa ra, chảy qua kẽ tay rồi nhỏ giọt lên boong thuyền, mới có mấy giây mà máu đã đọng thành một vũng nhỏ trên boong tàu trắng tinh.

“Chuyện gì đây?” Chú Bình thấy vậy bèn nạt: “Hai đứa đang làm gì đó?!”

Ninh Thu Nghiễn toát một đống mồ hôi lạnh, đau đến mức không nói nên lời. Cậu trai va phải Ninh Thu Nghiễn cũng chẳng nói chẳng rằng. Có lẽ cậu ta đang vội xuống tàu chứ không phải cố ý, cho nên sau khi đụng phải cậu thì cậu ta vẫn cứ đứng trơ ra, nhìn chằm chằm vào vết thương trên tay Ninh Thu Nghiễn. Kể cả chú Bình đến xem tình hình cũng thế. Trong nháy mắt, sắc mặt hai người họ đều trở nên quái lạ. Bầu không khí lặng thinh kỳ quái này kéo dài đến những mười mấy giây.

Ninh Thu Nghiễn gắng nuốt cơn đau vào trong, mắt rơm rớm, cắn răng nói: “Có gì cầm máu được không chú Bình?”

Chú Bình nghe hỏi mới giật mình sực tỉnh. Chú ta giấu đi vẻ hốt hoảng trên mặt, nhíu mày hỏi ngược lại: “Sao cháu bất cẩn thế?” Giọng điệu trách cứ rõ ràng.

Ninh Thu Nghiễn ăn ngay nói thật: “Cháu bị đụng trúng ạ.”

Cậu trai kia vẫn sững sờ đứng đó, không hề giải thích hay có lấy một câu xin lỗi.

Chú Bình nói: “Cháu xuống thuyền trước đi đã, bác sĩ trên đảo sẽ xử lý vết thương giúp cháu.” Rồi chú ta dặn dò Ninh Thu Nghiễn, nhấn mạnh: “Nhớ lấy, lần sau không được để bị thương khi lên đảo!”

Dù chỉ như bèo nước gặp nhau nhưng thái độ của mấy người này thật lạnh lùng quá đỗi!

Ninh Thu Nghiễn bàng hoàng, cho đến tận khi được người ta đỡ xuống thuyền, cậu mới thấy trên đảo này vẫn còn chút tình người. Nhưng cậu rời bến tàu chưa được bao xa, đã nghe tiếng ồn vọng đến từ phía sau. Quay đầu thì bắt gặp cậu trai ban nãy bị chú Bình đấm cho một phát ngã lăn ra đất, cậu ta cuộn mình lại đầy đau đớn. Có hai người đi tới kéo cậu ta dậy, thảy vào xe tải một cách thô lỗ. “Cành cạch!” Cửa xe đóng sầm, cậu ta chợt nhìn về phía này. Trong lòng Ninh Thu Nghiễn giật thót.

“Là Tiểu Ninh phải không?” Chợt ai đó gọi cậu.

Dường như tuyết trên đảo Độ rơi sớm. 

Ở những nơi có thể nhìn thấy, từ mặt đất cho đến ngọn cây nơi nào cũng phủ tuyết trắng, mặt đường lầy lội khó đi. Một chiếc ô tô màu đen bóng loáng đương đậu ven đường, ông lão mái tóc hoa râm đứng trước xe thân thiện vẫy tay với Ninh Thu Nghiễn: “Cháu qua đây nào.”

Ninh Thu Nghiễn nhấc cái chân cứng đờ lên. Một bên là xe tải chở hàng, một bên là ô tô. Rõ ràng sự đối xử của người trên đảo này dành cho cậu và cậu trai kia hoàn toàn khác xa. 

Đường xe chạy xuyên qua giữa hai hàng cây linh sam lấm tấm tuyết trắng, cao vút tận trời. Con đường ngoằn ngoèo uốn lượn, kéo dài mãi vào tận sâu biển rừng hun hút. Tất cả những thứ này đều đang nhắc nhở kẻ ngoại lai rằng, nơi đây là đảo tư nhân và bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra. 

Đợi Ninh Thu Nghiễn đến gần, ông lão mới nắm nhẹ tay phải của cậu lên xem: “Bị thương như thế nào? Cháu đừng lo, chúng ta lên xe trước đi! Về đến nơi thì gọi bác sĩ đến xem cho cháu.”

*

Ông lão là quản gia trên đảo, tự xưng là bác Khang.

Sau khi lên xe, bác Khang lấy khăn tay băng bó sơ qua cho Ninh Thu Nghiễn trước. Cậu gần như quên bẵng cơn đau, trong đầu chỉ nghĩ rằng, bản thân thật sự quá ngây thơ mới dám mò tới địa bàn của người ta một mình. Ở thời đại được luật pháp bảo vệ thì còng tay không phải là thứ muốn dùng thế nào cũng được! Bởi vì khi cậu trai ban nãy giãy giụa khiến tấm khăn trùm trên người cậu ta rơi xuống, ánh kim loại lạnh lẽo trên cổ tay cậu ta lóe lên rơi vào tầm mắt Ninh Thu Nghiễn. Lớn đến tầm này rồi, mà đây mới là lần đầu tiên cậu nhìn thấy người ta đeo còng tay ngoài đời thực. 

Chắc kèo phi pháp trăm phần trăm luôn!

Tàu đi hết tròn bốn tiếng thì có đến một nửa thời gian là chú Bình không ở trong khoang, nếu cậu trai nọ bị giam giữ bất hợp pháp hoặc bị ép buộc thì cậu ta rõ ràng có rất nhiều cơ hội để xin Ninh Thu Nghiễn cứu mình, thế nhưng cậu ta chẳng làm gì hết. Tình huống này thường sẽ có hai khả năng, một là cậu ta bị câm. À mà thôi, khả năng này không hợp lý lắm. Tuy vậy, Ninh Thu Nghiễn vẫn giữ quan điểm rằng: “Dẫu lí luận này không đáng tin hẳn nhưng vẫn có thể xảy ra, bằng không thì sao cậu ta vô lễ đến thế được?!” Hai là cậu ta biết có cầu cứu Ninh Thu Nghiễn cũng chẳng được tích sự gì, bởi vì theo một góc nhìn khác thì tình cảnh cả hai chả khác gì nhau. 

Ninh Thu Nghiễn ngẫm mà sốt cả ruột. Giờ xin về còn kịp không nhỉ?

“Cháu đúng là một đứa trẻ hướng nội.” Giọng nói nhuốm màu tang thương của người lớn tuổi, đột ngột vang lên bên tai. 

Ninh Thu Nghiễn giật mình sực tỉnh, quay đầu lại. 

Xe đi xuyên cánh rừng này chừng 20 phút rồi. Lúc đi được khoảng nửa đường, Ninh Thu Nghiễn đã để ý thấy chiếc xe tải phía sau rẽ ngang vào ngã ba nào đó rồi biến mất.

Bác Khang nhìn Ninh Thu Nghiễn, hỏi bằng giọng ấm áp: “Lần đầu lên đảo nên cháu chưa quen phải không?”

Ninh Thu Nghiễn ấp úng “vâng” một tiếng. 

Bác Khang lại hỏi: “Phong cảnh trên đảo đẹp thật cháu nhỉ?”

Thật sự rất đẹp!

Họ băng qua biển rừng và đang ở lưng chừng con núi. Rêu phong úa màu xám tro, tuyết mỏng phủ lên miền cỏ dại, vẻ đẹp này không thể hình dung bằng chữ “đẹp” thông thường nữa, mà chính là cái đẹp của tự nhiên thuở còn ban sơ.

“Hòn đảo này rất lớn, nơi ngài Quan ở nằm tận cực Bắc nên phải một lúc nữa mới đến nơi.” Bác Khang nói: “Lâu nay không có gương mặt mới nào lên đảo, cho nên mọi người hẳn sẽ nhìn cháu. Nhưng bọn họ chỉ nhìn thôi chứ không bắt chuyện với cháu đâu, cháu đừng lo lắng!”

Không biết có phải do cơn say tàu hay không mà sắc mặt Ninh Thu Nghiễn hơi nhợt nhạt, cộng với vành nón len cậu đội hơi thấp khiến cho đôi mắt càng thêm đen láy. Cậu hỏi: “Hôm nay cháu phải hiến máu luôn ạ?” 

Bác Khang đáp: “Không cần gấp đến thế đâu! Cháu vừa lênh đênh trên biển nên chắc chắn đói bụng rồi, bác đã bảo người hầu chuẩn bị cơm trưa, ăn xong thì không hiến máu ngay được. Mà hôm nay cháu còn bị thương nữa, nên hiến máu hãy để ngày mai.”

Ninh Thu Nghiễn rũ mắt: “Cháu không đói, cũng không cần nghỉ ngơi đâu ạ.”

Bác Khang bật cười: “Nhưng cháu cũng phải đợi đến thứ hai mới được về mà, chẳng bằng cứ nghỉ ngơi chốc lát, tốt cho việc lại sức.”

Ninh Thu Nghiễn: “…”

Hợp đồng đã viết rõ ràng thế rồi, cậu không có gì để phản bác. 

“Cháu phải vất vả rồi, cháu trai!” Bác Khang bỗng nhiên nói như vậy. 

Ninh Thu Nghiễn ngước nhìn, để lộ sự cảnh giác mà tuổi này khó lòng giấu nhẹm.

“Hoàn cảnh của ngài Quan khá đặc thù, nên sinh hoạt hàng ngày của tình nguyện viên cũng phải thay đổi một chút. Nhưng chút khác biệt đó cũng dẫn đến nhiều tình huống khó lường, bởi vậy, mỗi lần hiến máu đều phải có bác sĩ chuyên môn lấy mẫu kiểm tra xong mới có thể rút máu. Vì nhiều bước rắc rối, mới phải phiền cháu cất công đến tận đây.” Bác Khang ôn tồn giải thích: “Đi biển mùa này, chắc khó chịu lắm cháu nhỉ?”

Từng câu từng lời gần gũi của bác Khang khiến Ninh Thu Nghiễn chợt nhớ về ông ngoại, nhờ đó mà cậu không còn lo sợ nữa. Bác Khang vỗ về mu bàn tay không bị thương của cậu: “Cảm ơn cháu đã đến với đảo Độ!”

*

Cuối cùng xe dừng lại dưới chân núi, ngay bên cạnh tòa nhà lớn màu trắng nguy nga. Tòa nhà rất to rộng, đến mức Ninh Thu Nghiễn không ước chừng được nó to rộng bao nhiêu. Cậu cũng không biết nó được xây theo phong cách gì, chỉ biết rằng nó đã nhuốm màu thời gian, phần tường bên ngoài đã tróc sơn loang lổ toát lên màu lụn bại, trong khi chủ nhà cũng không phải người không đủ tiền để sửa. Phía trước tòa nhà có đài phun nước hình tròn đã tắt, tuyết mỏng phủ lên thành đài.

Ninh Thu Nghiễn xuống xe sau bác Khang, cả hai bước đi trên con đường cỏ đã khô héo, băng qua lối đi nhỏ bằng gỗ* thật dài mới vào đến tòa nhà. Người giúp việc đón ở cửa giúp hai người cởi áo khoác nhưng cậu nói không cần, đứng ở huyền quan ngó vào bên trong.

Tối thui! Đây là suy nghĩ đầu tiên của Ninh Thu Nghiễn khi bước chân vào tòa nhà này. 

Bên ngoài mây che mịt mùng đã đành, mà trong nhà còn tối hơn nữa. Phòng khách có đốt lò sưởi rất ấm áp, khác xa một trời một vực với mùa đông giá rét bên ngoài. Nhưng tất cả rèm cửa đều đóng kín mít nên đừng nói là gió lọt, đến một tia sáng cũng không chiếu vào nổi. Ở ngay huyền quan là một hành lang dài, vầng sáng màu quýt tỏa ra từ đèn treo tường hòa với ánh sáng mờ ảo của đèn chùm, có thể coi như là toàn bộ nguồn sáng ở đây. Nếu không phải Ninh Thu Nghiễn vừa đi từ bên ngoài vào, cậu sẽ nghiễm nhiên cho rằng bây giờ đã là đêm khuya rồi chứ không phải ban ngày.

Đây mà là điều kiện thích hợp, cho bệnh nhân sinh sống à?

Tất cả mọi người đều bước đi rất khẽ. Có người đến hỏi thầm gì đó với bác Khang, ông bèn nói với Ninh Thu Nghiễn rằng: “Bác dẫn cháu về phòng nghỉ ngơi trước, bác sĩ sẽ đến ngay thôi. Họ cũng sẽ đưa bữa trưa lên phòng cho cháu, buổi tối thì dùng bữa ở nhà ăn.” 

Ninh Thu Nghiễn đồng ý. Vừa khéo cậu cũng không muốn nán lâu ở nơi áp lực thế này, bởi vì tình huống giống hệt như bác Khang đã nói, ai nấy đều đổ dồn ánh mắt về phía cậu khiến Ninh Thu Nghiễn sởn tóc gáy. Có vẻ đúng là lâu lắm rồi, chưa có người mới lên đảo!

“Đi theo bác.” Bác Khang cất lời. 

Hai người băng qua phòng khách âm u, đi lên tầng hai cũng tối tăm không kém, ngang qua vài phòng chức năng và một hành lang thật dài mới đến được căn phòng dành cho Ninh Thu Nghiễn. Cậu hoàn toàn không nhớ nổi đường, vì mải ngẩn ngơ suốt cả đoạn đường ban nãy. Nơi đây to lớn hệt như mê cung vậy, khiến cậu không tìm được phương hướng.

“Lần đầu bác đến đây cũng bị lạc đường.” Mở cửa phòng ra, bác Khang chỉ cái chuông trên tường và bảo: “Nếu cháu muốn đi dạo thì nhấn cái chuông này, sẽ có người đến đưa cháu đi. Đương nhiên, nếu cháu muốn tự mình khám phá thì cứ tự nhiên nhé. Cháu có thể đi bất cứ đâu ở cả tầng một và hai, chỉ trừ tầng ba – nơi sinh hoạt cá nhân của ngài Quan. Ngài ấy không thích bị quấy rầy đâu.”

Căn phòng được bố trí đầy đủ nội thất, còn có cả phòng tắm riêng, tiện nghi thế này thì Ninh Thu Nghiễn có ru rú hết cả cuối tuần trong phòng cũng được. Ngay sau đó, có người đưa hành lý của Ninh Thu Nghiễn đến. Khi người đó đặt hộp đàn xuống, Ninh Thu Nghiễn thấy hơi lo bèn dặn: “Xin nhẹ tay chút ạ!”

Người nọ đặt đồ xuống thật nhẹ nhàng.

Ninh Thu Nghiễn nói: “Cảm ơn ạ!”

Trước khi đi, bác Khang nhã nhặn nhắc nhở: “Lần sau cháu đến thì không cần phải mang theo gì đâu. Ở đây cái gì cũng có, ngài Quan rất hào phóng.” 

Cái gì cũng có là sao?

Ninh Thu Nghiễn thấy khó hiểu quá, rốt cuộc cũng cầm lòng không đậu mà hỏi bác Khang: “Ông Khang ơi, cậu trai lên đảo cùng cháu cũng ở đây ạ?”

Nghe thấy cách xưng hô ấy, biểu cảm trên mặt bác Khang vẫn thế nhưng giọng điệu trả lời lại thân thiện hơn nhiều: “Cậu ta không ở đây cháu à.”

Ninh Thu Nghiễn lại hỏi: “Vậy cậu ta lên đảo làm gì thế ạ? Có phải cậu ta phạm lỗi gì không?”

Bác Khang mỉm cười lui ra ngoài, không trả lời câu hỏi thiếu chừng mực này. 

Trong phòng chỉ còn mình Ninh Thu Nghiễn. Thảm trải sàn rất là mềm, chiếc giường trắng tinh kia trông cũng rất là êm. Đầu giường còn trưng một bó hoa nhỏ màu vàng tươi tắn, có vẻ như đây là món quà hiếu khách của người ta. Ninh Thu Nghiễn cởi bỏ áo khoác giày nón, bước đến gần cửa sổ.

Nơi này quá kỳ lạ, phòng cho khách mà cũng kéo rèm kín mít! Cậu kéo tấm rèm cửa cao đến trần nhà ra, Ninh Thu Nghiễn xuyên qua lớp kính trong suốt ngắm cảnh vật bên ngoài. Cậu thấy phía sau tòa nhà này có một cái hồ nước xanh nhạt, trên mặt hồ có chiếc thuyền nhỏ lênh đênh. Đối diện hồ là núi non trùng điệp.

Đứng một hồi giữa khung cảnh tĩnh mịch và cô độc ấy, Ninh Thu Nghiễn lấy điện thoại ra xem. Cột tín hiệu hiện lên dấu chấm than!

Hình như cậu mất liên lạc với thế giới bên ngoài rồi!

Chị Gió nói:

Ngày mai Quan Hành lên sàn rồi nà ~ 

(“Hành” có thể đọc là “héng” hoặc “háng”, nhưng mà yêu tui thì đọc “háng” với tui nha!)

Chương mới sẽ được cập trước 8 giờ tối, nhưng cũng có khi không cố định. Nói chung tầm 8 giờ tối mọi người vào xem là được nhe! Nếu có việc bận tui sẽ báo xin nghỉ nhớ.

Chú thích của chúng mình:

(*) Lối đi nhỏ bằng gỗ: Nguyên tác viết “木栈道” – mộc sạn đạo.

Là con đường nhỏ được lót ván gỗ, thường xuất hiện trong các tiểu cảnh sân vườn nhà ở, hoặc những con đường ngắm cảnh đặc thù.  

Nguồn ảnh: image.baidu và meipian.cn/1zxf2sxf

 

 

Bình luận

5 4 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x