[Ting! Bạn đã kích hoạt nhiệm vụ danh hiệu!]
Sở dĩ Vệ Tuân mới nhìn đã biết tranh tường trong mật thất là vẽ cảnh song tu tập thể, bởi do lúc cậu đi xuống thì trong đầu vang lên thông báo của khách sạn!
[Tên nhiệm vụ: Chuỗi thợ săn kho báu.]
[Tóm tắt nhiệm vụ: Là người mới nhưng trong vòng 10 phút bạn đã phát hiện ba khu di tích cổ và còn tìm thấy hai báu vật của di tích, xem ra bạn thật sự có tài năng và may mắn để trở thành một thợ săn kho báu!]
[Phần thưởng nhiệm vụ:
Chuyên Gia Khảo Cổ (Danh hiệu màu xanh lá) [đã đạt được]
Nhà Mạo Hiểm (Danh hiệu màu xanh lam) [chưa đạt được]
Thợ Săn Kho Báu (Danh hiệu màu tím) [chưa đạt được]].
[Tiến độ nhiệm vụ: 20%]
[Gợi ý nhiệm vụ: Hãy khám phá nhiều di tích hơn, dòng thời gian đã chôn vùi vô số tài phú ở các nơi trên thế giới, tìm kiếm kho báu, đó là những gì một thợ săn kho báu nên làm!]
Mà sau lời nhắc nhở thì danh hiệu ‘Chuyên gia khảo cổ’ đã tự động treo trên người Vệ Tuân, khi xem bức tranh đá, tầm nhìn của cậu cũng được bật phụ đề, biết bức tranh trong hang này chính là “Tượng hộ pháp song tu của Bon giáo (Minh Vương phẫn nộ[1] và Minh Phi Khala Dugmo).
[1] Minh Vương Phẫn Nộ (tiếng Phạn: Heruka) là một vị thần trong tín ngưỡng Phật giáo Tây Tạng. Ông là một trong số các vị thần có quyền năng nhất và thường được tôn thờ trong các tín ngưỡng nằm trong nhóm thần linh (Mật Tông).
“Yêu cầu ngặt nghèo thật.”
Vệ Tuân tạm hoãn tiến trình thám hiểm lòng đất, nhặt mấy cục đá phẳng nhẹ lấp hờ cái khe rồi nghiên cứu nhiệm vụ mới của mình trước. Đọc kĩ mới thấy, điều kiện để kích hoạt nhiệm vụ Chuỗi Thợ Săn Kho Báu này quá hà khắc! Đầu tiên phải là người mới, sau đó phải “phát hiện ba khu di tích cổ trong vòng 10 phút” và “tìm thấy hai báu vật của di tích”, làm đến đây mới được coi là có tài năng và may mắn để trở thành thợ săn kho báu!
Ngay cả Vệ Tuân cũng thấy tỉ lệ xảy ra còn thấp hơn 1%, cậu nhờ có sự giúp đỡ của cáo con và báo tuyết mới xem như “phát hiện ba khu di tích cổ trong vòng 10 phút”. Vệ Tuân nghĩ trừ phi là những nơi tập trung nhiều di tích như mồ mả, nếu không thì việc kích hoạt chuỗi nhiệm vụ danh hiệu này về cơ bản là vô vọng!
Chẳng qua, nếu húp được danh hiệu ‘Chuyên gia khảo cổ’ thì điều kiện đó cũng coi như hợp lý.
[Chuyên gia khảo cổ (Danh hiệu màu xanh lá): Bạn là một chuyên gia khảo cổ giàu kinh nghiệm, luôn gặp may mắn bất ngờ liên quan đến hành trình khai quật di tích của riêng bạn.]
Danh hiệu này cực kỳ hữu ích, dù mang hạn chế là chỉ nắm được thông tin văn vật mà mình khai quật được. Giống như bây giờ, Vệ Tuân mở bản đồ da người Thangka ra xem thì biết được nó là “Da người Thangka Cổ Tân”, cậu còn đọc hiểu vài con chữ Tượng Hùng nguyên thủy quỷ dị trên bản đồ nữa.
“Có lẽ khó ở chỗ nó là chuỗi nhiệm vụ danh hiệu.”
Vệ Tuân suy đoán, nếu chỉ là nhiệm vụ danh hiệu Chuyên gia khảo cổ hoặc Nhà mạo hiểm thì điều kiện kích hoạt chắc chắn sẽ không hà khắc như vậy. Nhưng Vệ Tuân lại kích hoạt thẳng cả chuỗi nhiệm vụ từ Chuyên gia khảo cổ đến Thợ săn kho báu, trọn gói nhiệm vụ danh hiệu bao gồm xanh lá, xanh lam, tím!
Tức là kế tiếp cậu chỉ cần lần lượt khai quật di tích, tìm kiếm bảo tàng, tiến độ nhiệm vụ sẽ không ngừng tăng lên. Hiện tại, tiến độ chạm mốc 20% nên Vệ Tuân nhận được danh hiệu Chuyên gia khảo cổ, khi đến mốc 50% cậu sẽ nhận tiếp danh hiệu Nhà mạo hiểm. Nói vậy, sở hữu danh hiệu màu tím “Thợ săn kho báu” chỉ là chuyện sớm muộn.
Thế thì ngon rồi, quan trọng nhất là thông qua nhiệm vụ lần này, Vệ Tuân biết thêm một con đường thăng cấp danh hiệu khác.
Vệ Tuân đã gặp 2 cái danh hiệu chung chuỗi có thể thăng cấp, một cái là danh hiệu [Khách quen Tương Tây] mà Miêu Phương Phỉ và Vương Bành Phái đang sở hữu. Chỉ cần đến du lịch ở cảnh điểm nào đó nhiều lần thì nó sẽ thăng cấp. Tức là nếu Vệ Tuân hoàn thành tour khám phá lần này, cậu cũng sẽ nhận được danh hiệu [Khách mới phía bắc Tây Tạng] màu xanh lá.
Một cái khác là danh hiệu [Cổ bà bà cấp tân thủ] màu xanh biển đậm của Miêu Phương Phỉ, chỉ cần cô thường xuyên dùng cổ thuật và tham gia hành trình loại Miêu Cương Tương Tây thì danh hiệu này sẽ thăng cấp. Có thể nói, các danh hiệu cùng chuỗi đều có con đường cày rank rõ ràng.
Vệ Tuân nhớ danh hiệu ban đầu của mình là “Người không biết đau”, lúc ấy cậu dạo diễn đàn thấy Bách Hiểu Sinh đăng bài, nói nôm na rằng “Bính Cửu là kẻ máu lạnh duy nhất trên thế giới”.
Tuy không biết Bách Hiểu Sinh phán đúng mấy phần, nhưng dòm xuống thì không thấy comment trái chiều nào. Tựa như lúc Lâm Hi và Vương Bành Phái trên xe buýt, chỉ vì phản ứng “không đau” mà đã mặc định cậu là “Bính Cửu”, có thể thấy Bách Hiểu Sinh không nói điêu.
Danh hiệu Kẻ máu lạnh kia cực kỳ hiếm, mà thông thường ‘hiếm’ hay đi với ‘cực kỳ’ như cực kỳ mạnh, cực kỳ yếu, xem giọng điệu của bọn Bách Hiểu Sinh thì hẳn là vế trước.
Điều này khiến Vệ Tuân càng thêm tò mò, Người không biết đau thăng cấp trở thành Kẻ máu lạnh bằng cách nào. Dù sao theo lý thuyết, ở hiện thực cậu ngoại trừ không sợ lạnh thì về cơ bản đã tương đương với Kẻ máu lạnh, không sợ đau, cũng không bị cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng, quả thực giống y đúc Kẻ máu lạnh.
Hành trình lần này cậu không đeo danh hiệu Người không biết đau, chủ yếu là muốn thăm dò hai chuyện. Một trong số đó đã được xác nhận, dù không đeo danh hiệu này thì trừ khi chạm vào cờ hướng dẫn, cậu vẫn sẽ không cảm thấy đau đớn, như thể đây đã là đặc tính riêng của cậu rồi.
Vậy nếu bệnh cậu nặng hơn, danh hiệu này có thăng cấp không? Nếu cậu kiếm đủ điểm, mua gen chữa trị, danh hiệu có biến mất không?
Vệ Tuân hết sức tò mò.
“Mình muốn biết, khi thăng cấp danh hiệu cảm giác sẽ thế nào.”
Vệ Tuân lẩm bẩm, khi nhận được chuỗi nhiệm vụ danh hiệu Thợ săn kho báu cậu đã quyết định lợi dụng hành trình thăng cấp “Chuyên gia khảo cổ” lên “Nhà mạo hiểm”, xem thử cảm giác khi thăng cấp danh hiệu là ra sao, gợi ý sau đó là như thế nào.
Hơn nữa, chuỗi nhiệm vụ này cứ như dành riêng cho cậu vậy. Vệ Tuân đọc ghi chú ở cuối nhiệm vụ:
[Ghi chú: Bạn từng tham gia sáng lập hành trình 30 độ Vĩ Bắc, khi bạn đạt được danh hiệu Thợ săn kho báu, danh hiệu sẽ thăng cấp thành danh hiệu “Nhà Thám Hiểm” màu cam!]
Nhận được mà chẳng hề phí sức!
“Tiểu Tuyết, mày muốn đi săn không?”
Trong lòng đã có quyết định, Vệ Tuân ngược lại không vội. Cậu xem giờ, qua loa lấp lại mật thất mà báo tuyết giẫm nứt. Sắp chín giờ, chậm nhất là tiếng rưỡi nữa các du khách khác sẽ tới đây, cho dù thăm dò di tích cũng không có thời gian đi hết, quá gấp rồi!
Vệ Tuân đã hiểu được nội dung trên da người Thangka, cũng nhớ toàn bộ. Giờ tranh thủ làm cho xong nhiệm vụ phụ, biết đâu có thể lấy thêm vài manh mối liên quan tới di tích, một công đôi việc.
Báo tuyết không chịu đi nên Vệ Tuân đành dẫn nó xuống núi Cùng Tông, đến lưng chừng núi thì dần xuất hiện bóng người thưa thớt xa xa.
Cùng Tông là ngọn núi linh thiêng của Bon giáo, ngày nào cũng có tín đồ thành kính đi vòng qua núi, rõ ràng Vệ Tuân đang bay nhảy giữa núi cùng một con báo tuyết với tư thế nhanh nhẹn khác thường, nhưng chẳng ai để ý cả.
Đây là lần đầu tiên Vệ Tuân nhìn thấy người thường trong chuyến lữ hành, đi giữa đám đông mà không bị phát hiện cảm xúc còn diệu kỳ hơn cả những nơi hẻo lánh, vắng dấu chân người và đầy rẫy yêu ma quỷ quái ở Đắm Say Tương Tây.
Giống như lúc ở thôn Văn Bố Nam, ngoại trừ thôn trưởng mời họ đến dự tiệc thì những dân làng khác đều phớt lờ họ. Chỉ khi bạn chủ động bắt chuyện thì họ mới chịu ngó ngàng đến bạn. Còn nếu bạn nói về Tangra Yumco và di tích Tượng Hùng hay những thứ liên quan đến hành trình thì họ không thể nghe.
Hành trình cấp khó đã như thế, vậy điểm du lịch cấp an toàn giới hạn quanh thành thị e là còn mang đến cho du khách và hướng dẫn viên một cảm giác “phi nhân loại” mạnh mẽ hơn nữa.
Những du khách mới và hướng dẫn viên mới sẽ có cảm nhận siêu rõ nét, tuy hành trình diễn ra ở thế giới loài người, nhưng họ – kẻ được khách sạn chọn, thực sự hoàn toàn khác với người bình thường. Theo cách này, họ có thể nhanh chóng nhận ra tình cảnh hiện tại của mình.
Báo tuyết rất cảnh giác, nó lẻn đi mất hút kể từ khi nhân loại dợm ló mặt, không biết đã đi đâu. Vệ Tuân không lo lắng cho nó, tầm mắt cậu rơi vào hai vị nhà sư song song đi tới.
Hai người ăn mặc như nhà sư mang theo đồ ăn nước uống, lội bộ đến căn lều nỉ da bò Yak bẩn thỉu ở lưng chừng núi hoang vu. Đó chính là nơi ở của Amala – người canh giữ ngọn thánh mà truyền nhân Sáo Ưng từng kể, lợi dụng việc người thường không nhìn thấy mình, Vệ Tuân quang minh chính đại bám theo hai nhà sư, nghe trộm họ nói chuyện.
Hóa ra hai người đều là nhà sư của chùa Ngọc Bổn sau núi Cùng Tông, còn Amala sống trong một chiếc lều nỉ Yak là nữ tu duy nhất canh giữ Cùng Tông. Bà năm nay đã 93 tuổi, nghệ nhân hát ngâm[2] trời phú truyền thừa của Tây Tạng, bà có thể hát ngâm về các nhà sư lỗi lạc của Bon giáo từng tu hành ở Cùng Tông, cũng có thể hát ngâm vài đoạn lịch sử của Vương quốc Tượng Hùng cổ đại và Bon giáo.
[2] Đề cập đến một vai trò văn học và nghệ thuật truyền thống, thường là truyền miệng, sử dụng các giai điệu hoặc bài thơ để bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc hoặc kể chuyện. Họ thường được trời phú cho tài năng âm nhạc và khả năng sáng tác thơ ca, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ văn hóa, kế thừa lịch sử và tín ngưỡng tâm linh.
Chùa Ngọc Bổn là ngôi chùa mang tín ngưỡng Bon giáo nổi tiếng, từ khi vị Amala này có tuổi, họ luôn muốn đưa bà về chùa ở, người của chính phủ cũng đến đây khuyên nhủ vài lần nhưng Amala cực kỳ cố chấp, nhất quyết muốn canh giữ trên núi Cùng Tông, nên mọi người đành từ bỏ.
Mà từ năm ngoái Amala trở bệnh, không rời khỏi lều hay đi vòng quanh núi nữa.
Đường lên Cùng Tông rất dốc khiến đội ngũ y tế gặp nhiều khó khăn, Amala tuổi cao sức yếu, nếu buộc phải chuyển tới chuyển lui thì tình huống sẽ tệ hơn nữa. Một lạt ma am hiểu y học truyền thống Tây Tạng của chùa Ngọc Bổn đã chủ động đến thăm khám, nhưng lại giữ kín như bưng, không chịu nói gì cả.
Hai nhà sư này tuổi còn trẻ, rất có tâm hồn hóng chuyện, và đây là lần đầu tiên họ giao thức ăn cho Amala trong truyền thuyết, lải nhải suốt chặng đường, Vệ Tuân cũng nghe hết một chặng đường, lặng lẽ trầm tư. Theo hai nhà sư, Amala sống trong lều không phải mắc bệnh thông thường, mà giống như khi đi vòng núi đã bị trúng tà, bị quỷ nhập tràng?
Vừa tới trước căn liều thì hai nhà sư ngừng nói, không chê dơ mà bắt đầu cẩn thận quét dọn. Họ không chỉ đến giao thức ăn cho Amala mà còn phải dọn dẹp, Vệ Tuân theo họ vào lều, thờ ơ quan sát thì thấy trong lều hun đầy khói khí vẩn đục, kèm theo mùi thối rữa nhàn nhạt.
Trong lều chỉ có ngọn đèn bơ thắp lờ mờ, soi sáng đủ thứ đồ lộn xộn chất đống bên trong gồm đá, da trâu, da dê rách nát mốc meo, cờ cầu nguyện Lungta,… Chẳng giống nơi dành cho người ở mà giống trạm thu gom rác hơn.
Ở góc lều sạch sẽ, nơi duy nhất được trải vài tấm chăn đã biến thành màu đen, có bóng người nhỏ gầy đang nằm trong chăn.
Mái tóc hoa râm rối bù, đầu đội chiếc mũ nỉ bạc màu, đôi mắt phủ một lớp sương xám, khuôn mặt gầy gò biến dạng, hốc mắt trũng sâu, quả thật trông chả khác gì bộ xương khô được bọc da người.
Hai nhà sư đang bận lau dọn lều, nói chuyện với bà, bưng tsampa bơ và trà sữa ra cho bà, bà hiền lành nhưng thờ ơ, hoàn toàn không để ý đến họ, nhìn chăm chú ngoài cửa lều như thể có người đang đứng đó.
Hai nhà sư trẻ tuổi nên thiếu kiên nhẫn, mấy lần quay đầu không thấy ngoài cửa lều có ai khác, trong lòng đột nhiên hơi e ngại, nhất thời im hơi lặng tiếng, động tác nhanh nhẹn hơn, tiếng thở cũng nhẹ dần.
Vệ Tuân lại hứng thú nhướng mày. Bởi vì người mà vị Amala này đang nhìn, chính là cậu.
Từ lúc bước vào trong lều, ánh mắt của bà lão luôn dán chặt vào người cậu, khi Vệ Tuân quan sát căn lều, cậu đi đến đâu thì bà cũng nhìn theo đến đó. Thái độ trầm mặc, ánh mắt chăm chú khiến người ta áp lực như bị núi đè. Hơn nữa còn đến từ bà lão gầy guộc với đôi mắt như thể đã mù lòa này.
Nhưng Vệ Tuân không sợ, cậu đợi đến khi hai nhà sư thu dọn đồ đạc rời đi mới thong dong đến bên cạnh bà. Bưng bát trà sữa mà nhà sư đã rót sẵn đưa cho bà, mỉm cười nói bằng tiếng Tây Tạng:
“Amala, uống một ngụm nhé?”
“Gandan Pelkor bảo tôi tới tìm ngài.”
Gandan Pelkor là tên của truyền nhân Sáo Ưng. Nghe Vệ Tuân nói, đôi con ngươi không dao động của bà lão rốt cuộc cũng chớp chớp, bà lặng lẽ thò tay ra khỏi chăn cầm lấy bát trà sữa. Vệ Tuân tinh ý nhận ra bàn tay của bà ta chỉ còn lại ba ngón, ngón áp út và gốc ngón út đã cháy đen như từng bị thiêu.
Tay bà lúc nào cũng run lẩy bẩy như không cầm nổi bát. Vệ Tuân dứt khoát đưa bát đến bên miệng bà, Amala dừng lại, thuận thế chậm rãi uống mấy ngụm trà sữa, sau đó quay đầu đi, không chịu uống nữa.
“Gandan Pelkor bảo cậu tới làm gì?”
Amala cuối cùng cũng lên tiếng, giọng bà khàn đặc và khó nghe, bà nói rất nhanh, pha trộn nhiều phương ngữ nhưng Vệ Tuân vẫn hiểu được. Trình độ tiếng Tạng của mình không thể đạt tới hiệu quả này, Vệ Tuân cảm thấy hẳn là danh hiệu “Chuyên gia khảo cổ” nổi lên tác dụng.
“Không cần biết hắn yêu cầu cậu làm gì, núi thần không chào đón các cậu. Trên người cậu có dấu ấn của ma quỷ. Hãy rời khỏi đây.”
Khi nói, bà nhìn chằm chằm vào vai trái của Vệ Tuân với thái độ quả quyết. Thật ra thì câu gốc của Amala thô lỗ hơn nhiều, còn chen một đống từ vựng Bon giáo khác nhau, nhưng tóm ý vẫn là kiểu giọng điệu thế này “thứ ma quỷ cút xéo cho ta”. Vệ Tuân chẳng quan tâm mấy, ngược lại còn tò mò.
Tương truyền các nghệ nhân giỏi hát ngâm trên cao nguyên Tây Tạng, bất kể tuổi tác hay giới tính, sau giấc ngủ dậy họ sẽ diễn xướng toàn bộ chương hồi trong sử thi về Vua Gesar[3], hơn nữa đôi mắt của họ còn có thể nhìn thấy “những điều bất thường”.
[3] Bộ sử thi dài nhất thế giới, “Sử thi Vua Gesar” (Epic of King Gesar), được lưu truyền rộng rãi ở Tây Tạng và khu vực Trung Á. Chương mở đầu bắt đầu từ thời kỳ sáng thế, ở vùng đất Tây Tạng có rất nhiều ma quỷ chưa được hoàn toàn hàng phục, Thiên giới quyết định cử một vị anh hùng hạ thế để chế phục những quỷ quái đó, vì thế mà Vua Gesar đã giáng sinh, thông qua đua ngựa mà đăng quang vương vị, cưới mỹ nữ Châu Mẫu làm vương phi. Chương chinh chiến là sự tích anh hùng sau khi ngài xưng vương, đã hàng phục các loại ma vương v.v. Chương kết thúc bao gồm an định tam giới, quy hồi Thiên quốc.
“Dấu ấn ma quỷ” mà Amala nói rốt cuộc là đầu lâu mạ vàng khắc bạc và xác ướt mà bà ta nhìn thấy, hay ký hiệu nào đó do truyền nhân Sáo Ưng để lại trên người cậu? Hoặc thứ bà đang xem – một hình xăm con bướm Maria ngay trên vai trái của Vệ Tuân.
Bà có cảm nhận được sự tồn tại của khách sạn không?
“Tối hôm qua, tôi gặp được rồng thần ở hồ thánh.”
Vệ Tuân tán gẫu: “Có người làm lễ hiến tế sát sinh, muốn dụ rồng thần ra khỏi hồ. Lúc đó tôi tình cờ đi ngang qua. Rồng thần cảm thấy có duyên với tôi nên ngài đã tặng tôi vài món bảo bối.”
Thấy Amala tỏ vẻ thờ ơ, hoàn toàn không tin lời cậu nói, Vệ Tuân móc tấm bản đồ da người Thangka ra, phe phẩy trước mặt Amala:
“Này, đây là món quà mà cá rồng đã tặng cho tôi.”
“Hưm!”
Đôi mắt của Amala đột nhiên mở to như thể nhãn cầu của bà sắp lồi khỏi hốc mắt trũng sâu, bà ta điên cuồng lao tới giơ tay muốn giật lấy tấm bản đồ trong tay Vệ Tuân.
Vệ Tuân không bắt nạt người già, đưa luôn tấm bản đồ cho bà. Tầm mắt cậu rơi xuống tấm chăn bị bung ra do cử động mạnh của bà.
Hai cái chân được đắp dưới lớp chăn của bà lão lộ ra ngoài, chúng như hai khúc xương đen nhánh, gầy guộc đến dị hợm! Hai bàn chân vặn vẹo biến dạng không thấy ngón chân đâu, cả bàn chân cong như hình lưỡi liềm.
Lớp da đen sạm trên đùi bà lõng thõng như vải, rũ xuống cổ chân khô quắt. Trên da đã thủng lỗ chỗ, mép thâm đen, thối rữa chảy mủ, mùi tanh tưởi trong lều bốc ra từ đôi chân đó.
Bà lão không để ý đến Vệ Tuân, bà giật lấy bức Thangka da người, toàn thân run bần bật. Động tác giật lấy bức Thangka trước đó thô bạo và điên cuồng bao nhiêu thì bây giờ lại nâng niu và trân trọng bấy nhiêu. Bà không kiềm được nỉ non gì đó, chảy xuống những giọt nước mắt đục ngầu.
Bà giãy giụa, muốn dâng tấm da người lên trước trản đèn bơ duy nhất trong lều, cố đến nổi gân xanh chằng chịt trán nhưng hai chân vẫn vô lực nằm im trên thảm. Bà lão như con cá không thể rời khỏi vùng nước của mình, trong dáng vẻ điên cuồng lại pha chút đáng thương.
Mãi chờ ad đăng chap mới☺️🫶
Rồng thần: cậu ta nói dối! Tôi bị ép, tôi bị ép!