Có lẽ do cú bạt tai đêm đó của ta quá đau mà từ đó Tiêu Độc không còn đến đình U Tư nữa thật, điều đó làm ta không khỏi hơi hối hận. Chưa thuần hóa sói thành chó mà đã đánh nó bỏ đi, đúng là mất công mà!
Nhưng được cái là sau đại điển sắc phong, Tiêu Lan cũng không còn rảnh rỗi nữa, bởi vì nếu đã sắc phong Hoàng hậu thì phải lập cả Thái tử. Năm nay Tiêu Lan hơn ba mươi, cũng đã có bốn đứa con trai, theo truyền thống thì sẽ phong đích trưởng tử làm Thái tử nhưng trưởng tử Tiêu Dục của hắn lại là con của thị thiếp mà hắn được phụ vương ban cho. Bà ta là một người cay nghiệt, nóng tính, ngang ngược. Con trai thứ hai Tiêu Cảnh và thứ ba Tiêu Mặc là huynh đệ song sinh do Vương phi hắn cưới hỏi đàng hoàng lúc làm phiên vương sinh ra, đứa thì ương bướng, hay đố kỵ, đứa thì ít nói, trầm tính, đứa đệ đệ nghe lời huynh nó răm rắp. Đứa thứ tư Tiêu Viên là nữ, nhỏ nhất là sói con Tiêu Độc có một nửa dòng máu Man tộc. Tất cả đều không phải đèn cạn dầu, huống gì Hoàng hậu vừa được sắc phong, chưa có thai nên đương nhiên không muốn lập Thái tử ngay bây giờ, nhưng Tiêu Lan cũng không muốn trao vị trí này cho đứa con do Công chúa nước khác sinh hạ. Đây là một chuyện đau đầu, đám hạ thần bàn tán xôn xao, Tiêu Lan cũng không rỗi hơi mà đến tìm ta nữa.
Nhân lúc đó, ta bí mật lệnh cho các ám vệ trà trộn vào sáu cục trong cung tiếp tục cài gián điệp để chuẩn bị cho cuộc đảo chính sau này. Tiêu Lan hiện đang theo dõi chặt chẽ các đại thần trong triều, ta không muốn rút dây động dừng bèn gửi một bức mật thư liên lạc với người cữu cữu ruột ở nơi xa xôi ngàn dặm – Tây Bắc hầu Bạch Diên Chi. Gia tộc Bạch thị vừa giàu có vừa nhiều sản nghiệp, tọa lạc tại Ký Châu, trú đóng ở biên ải Bắc Cương, nắm trong tay ba vạn tinh binh. Sau khi bị ép nhường ngôi, ta bị giam lỏng trong cung từ đó đến nay nên không thể báo cáo tình hình thật của ta cho Bạch Diên Chi biết. Ông ấy cũng không dám hành động thiếu suy nghĩ, lấy cớ Man tộc liên tục lộng hành ở biên cương nên không thể rời vị trí, không tham dự cả nghi lễ đăng quan của Tiêu Lan. Còn Tiêu Lan thì ở nơi xa tít tắp, không làm gì được Bạch Diên Chi nên cũng tạm thời không đả động tới lão thần đã phục vụ ba triều như ông ấy. Bạch Diên Chi và thân mẫu của ta là tỷ đệ thân thiết, hai cữu cháu bọn ta từng cùng nhau xông pha trên sa trường, vừa có tình nghĩa quân thần vừa từng cùng nhau vào sinh ra tử, ta tin rằng ông ấy sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước cảnh ngộ của ta. Quả nhiên, ba tháng sau, ta nhận được thư hồi âm của Bạch Diên Chi.
Ông ấy sai đệ đệ của mình là khanh đại phu Bạch Thần đến hoàng đô Miện Kinh dâng cống vật. Ngặt nỗi đường xá xa xôi, không thể đến Miện Kinh một sớm một chiều nên lại mất thêm mấy tháng nữa.
Ta không vội cũng không nóng nảy, vừa dệt lưới trong cung vừa chờ đợi. Thời gian thấm thoát thoi đưa, thoắt cái đã bước sang năm mới, việc sắc phong Thái tử mãi vẫn chưa được quyết định. Trong cung tổ chức đại điển cưỡi ngựa bắn cung, một là để cúng tế Hậu Nghệ đón năm mới đến, hai là cho các Hoàng tử có cơ hội thể hiện tài nghệ của bản thân, tất cả con cháu quý tộc có thể tham gia hoặc đến dự.
Lần đầu tiên Thái thượng hoàng như ta được mời.
Thật ra ta không muốn đi cho lắm, trời lạnh cóng, thân thể yếu ớt của ta không thể gặp gió.
Lúc cỗ kiệu tròng trành hạ xuống, ta vẫn còn đang ôm lò sưởi tay, trùm trong áo lông cáo trắng nằm trên chiếc đệm mềm mại không muốn động đậy. Minh tiễn* đằng xa vọng lại âm thanh xé toạc cả bầu trời gợi về tháng ngày còn chinh chiến trên sa trường, bấy giờ ta mới uể oải mở mắt ra, vén màn kiệu nhìn ra ngoài. Ồ, cả dưới lẫn trên cung lâu của bãi săn ở cửa bắc đông nghịt người, còn náo nhiệt hơn cả đại điển cưỡi ngựa bắn cung mà ta tham gia khi xưa. Trên khán đài cao nhất, Tiêu Lan và Hoàng hậu, phi tần của hắn đã yên vị, màu sắc rực rỡ trên lọng che nắng nền đỏ tua rua vàng chói mắt ta. Ta cụp mắt xuống, được thái giám đỡ lên bậc thang.
*Minh tiễn là một loại mũi tên khi bay phát ra tiếng kêu. Loại mũi tên này được chế tạo từ sắt, thêm xương thú, ngà voi hoặc sừng trâu, trên thân có lỗ nhỏ để phát ra tiếng kêu.
“Thái thượng hoàng giá đáo…” Một cung nhân lớn tiếng thông báo ta đã đến, giọng rin rít chói tai vô cùng. Tiêu Lan vẫn ngồi tại chỗ, còn những nữ nhân khác thì đứng lên cúi người, không hề xem phế đế như ta vào mắt. Ta cũng lười lá mặt lá trái, gật đầu rồi ngồi xuống chỗ ngồi trên khán đài được bố trí cho ta, lấy tay áo che miệng ho khan vài tiếng.
Tiêu Lan quay sang nhìn ta từ trên xuống một lượt như muốn lột hết đống xiêm y dày cộp của ta. Ta đanh mặt quay sang nơi khác, nhìn xuống bãi săn ở dưới. Hắn thình lình cất giọng, lời nói của hắn theo gió thổi vào tai ta: “Màu sắc áo lông chồn của Hoàng hậu quả là đẹp mắt, gương mặt nàng rực rỡ hơn hẳn, làn da trắng ngần và mịn màng như tượng tạc vậy.”
Câu này không phải nói với ta nhưng ta lại rợn cả sống lưng, chỉ muốn cởi phăng cái áo lông chồn đang mặc và đem đi thiêu ngay lập tức.
“Nếu Hoàng thượng thích thì ngày mai thần thiếp sẽ lệnh cho cung nhân nhanh chóng làm một chiếc cho chàng nhé.”
“Vậy thì còn gì bằng, làm theo kiểu dáng áo lông chồn Thái thượng hoàng đang mặc đi.”
Ta cầm tách trà lên uống một ngụm trà đậm, súc miệng rồi nhổ hết cơn buồn nôn trong cổ họng về lại tách trà, ném xuống đất nổi điên: “Trà gì tởm lợm vậy, rót tách khác cho cô!”
Ta biết chắc Tiêu Lan nhìn thấy cảnh này, nhếch mép mỉa mai.
Thái giám nghe lời, làm theo. Lúc tách trà được đặt lên bàn, chiếc bàn rung lên, ta vừa ngước lên thì đã nhìn thấy chín con chim ưng gắp tú cầu màu vàng bay lên trời, tiếp đến là một loạt tiếng trống đinh tai nhức óc. Cánh cổng ầm ầm mở ra, có vài người phóng ngựa thi nhau giương cung bắn. Mưa tên đâm xuyên cả bầu trời, bắn về phía phi ưng.
Ta nhìn mà hoa cả mắt, khung cảnh lần đầu tiên ta tham gia đại điển cưỡi ngựa bắn cung chợt hiện về, nỗi buồn bã vút qua trong lòng ta. Khi đó ta và các huynh đệ vẫn chưa trải qua gió tanh mưa máu đầy gian lao thử thách, vẫn còn là những thiếu niên bồng bột, không hề hay biết mấy năm sau sẽ tay chân tương tàn, chia kiếm giáo vào nhau. Ngoài Tiêu Lan, tất cả các huynh đệ còn lại đều trở thành bàn đạp để ta lên ngôi vua, biến thành một chồng xương cốt bị chôn lấp trong hoàng thổ dưới chân ta.
Cho dù hôm nay ta đủ khỏe mạnh để cưỡi ngựa bắn tên thì cũng không còn huynh đệ nào để so tài với ta nữa.
Chẳng biết người sẽ bị chôn vùi tiếp theo là Tiêu Lan hay là ta đây?
Ôm suy nghĩ đó trong lòng, ta lướt qua các binh lính và tướng sĩ đang biểu diễn cưỡi ngựa bên dưới và nhìn thấy một người giương cao lá cờ Hậu Nghệ bắn trời xông ra một mình, vài thiếu niên theo sau, tất cả đều cột tóc đuôi ngựa và đeo đai trán mà chỉ có Hoàng tử mới có tư cách đeo, che mắt bằng dải lụa, mặc trang phục cưỡi ngựa khác nhau, áo giáp lấp lánh.
Bóng người mặc trang phục cưỡi ngựa màu trắng bạc chạy lên đầu tiên, ta vừa nghe tiếng reo khẽ của cung nữ vang lên bên tai “Đại hoàng tử!” thì thấy thiếu niên ấy đứng dậy giẫm một chân trên yên ngựa và nghiêng người sang một bên ngựa, một loạt hành động liên tiếp nhau diễn ra liền mạch và dứt khoát, khí thế mãnh liệt. Cậu ta dùng một tay lấy trường cung trên lưng xuống rồi giương cung nhanh như chớp bắn một loạt mũi tên đuôi lông trắng về phía con chim ưng gắp tú cầu mặt trời đang chao lượn trên trời làm phát ra những tiếng “vút vút” dồn dập. Không ngờ có một mũi tên sắc nhọn lông đen nghênh ngang xẹt qua, phá vỡ khí thế của mũi tên lông trắng và bắn trúng đầu chim ưng.
Chim ưng giữ tú cầu từ trên trời rơi xuống, kèm theo đó là tiếng rít the thé. Ta nhìn xuống dưới theo, thấy lá cờ nước Miện bị gió thổi phần phật, một bóng người mặc áo giáp đen phóng nhanh như bay từ phía sau lá cờ, thoát một chân khỏi bàn đạp rồi nửa quỳ trên yên ngựa. Người nọ thoăn thoắt xoay người, kéo dây cung ra hết cỡ rồi thu tay về. Trong chớp mắt, một chùm gồm mười mũi tên lông đen xé tan không trng, bắn hạ toàn bộ chín con chim ưng. Một loạt hành động đầy gọn gàng, mây trôi nước chảy, toát lên sự phóng khoáng như khi vẩy mực vẽ tranh, đẹp đến kinh tâm động phách.
Mặt trời lũ lượt rơi xuống đất, người đó hạ cung tên xuống, siết dây cương vượt lên hàng đầu, bỏ xa những Hoàng tử khác. Sau khi chạy hết một vòng bãi săn bắn, nó đứng ở chính giữa sân cầm lá cờ nước Miện lên bằng một tay và nhìn về phía khán đài trong sự dõi theo của tất cả mọi người.
Tư thế cưỡi ngựa đầy ngạo nghễ lại trông như sát thần Tu La, thấp thoáng nhìn thấy khí thế uy hùng vượt xa tuổi tác.
Năm nay Tiêu Độc chỉ mới mười lăm tuổi, im hơi lặng tiếng đến nay để rồi cho mọi người một màn trình diễn đáng kinh ngạc, giành hết ánh nhìn của mọi người từ Đại hoàng tử sang mình.
Ta thầm giật mình, lòng rét run.
Hành động giành hạng nhất trong cú một vào đại điển cưỡi ngựa bắn cung của nó hôm nay đích thị là chơi trội, vô cùng mạo hiểm. Nếu ta là nó, ta chắc chắn sẽ không gây chú ý làm người khác ghen ghét mình như thế, nhưng bằng cách này Tiêu Lan và bọn quan lại sẽ không thể coi thường người con thứ năm này nữa.
Bởi vậy mà phải công nhận đây cũng là một chuyện tốt.
Đã đến lúc hàn gắn mối quan hệ thúc cháu giữa ta và sói con để nó khỏi ghi thù cú bạt tai đó của ta rồi.
Ta cúi đầu hớp một ngụm trà đồng thời tính toán trong bụng cần làm gì tiếp theo. Khen ngợi dăm ba câu e rằng không đủ, bọn nhóc tuổi này có lòng tự tôn rất cao, phải tặng cả quà mới được. Sau một hồi trầm ngâm, ta quyết định lấy ngọc bội dính máu mà mình luôn đeo trên người ra. Thời làm Hoàng đế ta đeo rất nhiều của quý, bây giờ chỉ có nó là có giá trị nhất.
Màn đêm buông xuống, đại điển cưỡi ngựa bắn cung long trọng kết thúc, mở màn cho gia yến hoàng tộc được tổ chức tại đình Phức Hoa.
Ta không muốn gặp Tiêu Lan và những thần tử từng dưới trướng ta nên vốn định cáo ốm không đi, nhưng cuối cùng ta vẫn lên kiệu đến đình Phức Hoa để có thể mở lời với sói con Tiêu Độc. Đường đi từ cửa bắc đến đình Phức Hoa dài đằng đẵng, ta mơ màng buồn ngũ, lúc sắp ngủ thiếp đi thì đến nơi. Ta là người đến muộn nhất, đám hoàng thân quốc thích đã vào tiệc từ lâu.
Các thái giám đỡ ta xuống kiệu và đón ta vào cung điện. Vị trí của Tiêu Lan ở nơi cao nhất trên bậc thang, hai bên là Hoàng hậu và phi tần của hắn, còn Hoàng tử và các cận thần thì lần lượt ngồi ở hai dãy hai bên.
Sau khi vào chỗ, ta thấy ngay Tiêu Độc trong đám Hoàng tử, phát hiện mới hơn nửa năm trôi qua mà nó đã thay đổi một cách rõ rệt.
Tuy đang ngồi dưới đất nhưng vẫn có thể thấy nó cao hơn trước rất nhiều, bộ huân thường cùng với áo bào đen vẽ mãng xà làm tôn lên khí phách của nó, khiến cho Đại hoàng tử Tiêu Dục ngọc thụ lâm phong ngồi cạnh bị lu mờ. Những nét đặc trưng do một nửa dòng máu Man tộc mang lại đã lộ rõ, đường nét góc cạnh, tuấn tú, hàng mi cong dài, hốc mắt sâu, đôi mắt xanh hẹp dài khuất sau bóng tối mang nét gì đó sâu lắng khiến người ta không đoán được nó đang nghĩ gì.
Ta nhìn nó chằm chằm nhưng sói con lại cụp mắt, mím chặt đôi môi mỏng như thể không muốn để ý tới ta.
Chậc, không lẽ nó còn giận? Bướng thật.
Chỉ là một cú tát thôi mà, ta là hoàng thúc của nó mà không được đánh nó ư?
Ta cười châm biếm. Thái giám đi tới rót rượu, tất cả cùng nhau nâng ly mời rượu với Tiêu Lan, tâng bốc biểu hiện oai phong trong đại điển cưỡi ngựa bắn cung của đám Hoàng tử, vương triều Tiêu thị đã có người nối dõi, còn ta thì đang thầm nguyền rủa Tiêu Lan đoạn tử tuyệt tôn.
Ta không dám uống rượu, mặc dù khả năng Tiêu Lan độc chết ta trong gia yến không lớn nhưng mấy tháng trước ta đã khiến hắn mất hết thể diện trước mặt con trai hắn, chưa chắc đây không phải là Hồng Môn yến, ta không thể không đề phòng. Ta chỉ chạm nhẹ môi vào rượu rồi đổ hết vào tay áo, sau đó lệnh cho thái giám rót thêm ly nữa. Tiếp rượu quá ba lần, sơn hào hải vị dâng lên hết, các bề tôi bắt đầu “mở máy hát”, không bàn việc nước mà lại vòng vo nhắc đến chuyện sắc phong Thái tử. Các phi tàn cũng không cam lép vế, mỗi người khen con mình một kiểu. Một bữa gia yến mà đầy sóng gió, ai cũng có toan tính riêng, còn Tiêu Độc thì tự tách mình với náo nhiệt, không dấn thân vào sóng gió. Mặc dù nó được Lệ phi – thân mẫu của Đại hoàng tử – nhận làm con thừa tự nhưng chung quy dưỡng mẫu vẫn không phải ruột thịt, bà ta nào thèm đoái hoài tới đứa lai căng như thế, trong mắt bà ta chỉ có mỗi đứa con ruột của mình mà thôi.
Nhìn thái độ vênh váo và nét mặt cay nghiệt giống hệt mẫu thân mình của Tiêu Dục, ta không khỏi thương hại cho Tiêu Độc.
Nếu bỏ qua lần vạ miệng hồi trước của nó thì thật ra sói con này cũng tội nghiệp.
Có điều đây là chuyện sắc phong Thái tử, ta chỉ là một phế đế, đương nhiên không thể chen miệng vào bữa tiệc này nhưng vẫn thầm suy tính đường đi nước bước. Ta nhất định phải đi nước cờ lặng lẽ giúp Tiêu Độc giành ngai vàng. Tiêu Độc, ngươi gặp được cô là may mắn hay bất hạnh thì hãy chờ xem. Có lẽ cảm nhận được ta đang nhìn nó, Tiêu Độc liếc mắt nhìn thẳng vào mắt ta rồi ngoảnh sang chỗ khác thật nhanh. Nó giơ ly rượu lên, nhấp một ngụm rồi ngẩng đầu nốc cạn, sau đó nó uống liên tù tì mấy ly như khát nước lắm, tai thì đỏ bừng, phải đặt nắm đấm lên che miệng ho hai tiếng.
Ta thầm lắc đầu chế giễu, tửu lượng chẳng ra gì mà còn uống hăng như thế, sao điểm này lại khác người Man tộc thế nhỉ?
“Sao Thái thượng hoàng không dùng bữa tối thế? Trẫm tận tâm sai người chuẩn bị món ăn quý lạ mà Thái thượng hoàng không thèm ăn chút nào sao?”
Đúng lúc đó, giọng Tiêu Lan cắt ngang mạch suy nghĩ của ta.
Ta lười biếng tựa cùi chỏ lên bàn chống cằm, hờ hững trả lời: “Cũng không hẳn, cô đang mệt và nhức đầu lắm, chẳng muốn ăn chút nào, chi bằng Hoàng thượng cho phép cô về sớm nghỉ ngơi nhé?”
Mấy tên đại thần từng thần phục ta nay lại quy thuận Tiêu Lan nhìn ta với vẻ thổn thức, chắc hẳn bọn họ tiếc nuối cho vị Thiên Tử thiếu niên hăng hái năm nào lại rơi vào bước đường này đây mà. Ta cười khẩu trong bụng, một ngày nào đó đăng cơ một lần nữa, điều đầu tiên ta làm sẽ là chém đầu bọn thiến nô này, không, chỉ chém đầu thôi thì chưa đủ, phải lăng trì nữa mới hả dạ.
Tiêu Lan hứng thú quan sát ta một hồi rồi vỗ tay, một nhóm cung nữ nối đuôi nhau đi vào, hai người đi đầu cầm một bộ trang phục diễn đỏ thắm đầy lộng lẫy, trên áo thêu hoa văn lửa tượng trưng cho Hi Hòa, đó là bộ trang phục diễn ta từng mặc trước đây.
Dự cảm không lành bỗng dâng lên trong lòng ta. Quả nhiên, bọn cung nữ dâng bộ trang phục ấy đến trước mặt ta, Tiêu Lan cười bảo: “Trẫm nghe nói Thái thượng hoàng ban đêm rất thích hát hí khúc, đóng vai Hi Hòa cầu nguyện nước Miện mưa thuận gió hòa. Người người trong cung đều đồn đãi Thái thượng hoàng hát rất hay, không biết Thái thượng hoàng có thể hu tôn hàng quý biểu diễn cho trẫm và các vị ái khanh xem không?”
Ta đanh mặt lạnh lùng nhìn hắn. Tiêu Lan đặt ly rượu xuống: “Sao lại để Thái thượng hoàng tự thay áo vậy hả?”
Hắn vừa dứt lời thì vài cung nữ tóm lấy ta, hấp tấp lột áo lông chồn, ngoại bào, trung y của ta, cởi đến tận khi ta gần như trần như nhộng trước mắt văn võ bá quan rồi tròng trang phục diễn lên người ta. Chân tay ta bủn rủn, không đủ sức kháng cự nổi đám nữ nhân. Ta giãy giụa dữ dội đến nỗi chảy mồ hôi ròng ròng, lúc tưởng chừng ngất xỉu lại bị tô son trét phấn, cài đầu đeo bông tai cho nữ rồi bị đẩy ra giữa sảnh điện. Ta ngồi phịch dưới đất, ho sù sụ như muốn nôn cả ruột gan ra ngoài.
Bầu không khí bỗng chốc yên lặng như tờ, không ai ngờ được Tiêu Lan lại bày trò như vậy.
“Chát, chát, chát.” Một người vỗ tay phá vỡ sự yên ắng ấy, Đại hoàng tử Tiêu Dục cất tiếng: “Xưa nay nghe người ta đồn đãi hoàng thúc đẹp khuynh quốc khuynh thành, không ngờ người mặc trang phục và trang sức đào kép lại quyến rũ như vậy, quả là trăm nghe không bằng một thấy.”
Ta ngước mắt nhìn về phía cậu ta, mắt đỏ như máu. Tiêu Dục hoảng sợ giật mình trước cái nhìn cả ta, không dám cười nữa. Ta nhìn lướt qua Tiêu Độc, nó không nhìn ta, tay siết chặt ly rượu, mặt đỏ tía tai, khớp xương tay trắng bệch.
Ta nhắm mắt chống sàn cố gắng đứng dậy, nghiến răng nở nụ cười trên môi. Ta phất tay áo rồi cất tiếng hát: “Ngô lệnh Hi Hòa nhị tiết hề, vọng Yêm Tư nhi vật bách*…”
*Trích bài thơ Sở Từ – Ly Tao, dịch nghĩa “Ta mệnh lệnh Hi Hòa hãy từ từ, chớ để Thái Dương tiếp cận Yêm Tư bên cạnh ngọn núi”.
Mang danh Thái thượng hoàng nhưng địa vị lại thấp hơn Hoàng đế, Tiêu Lan bắt ta hát, ta không thể không hát.
Tiêu Lan, ngày nào đó cô sẽ trả lại mối nhục nhã hôm nay gấp trăm lần.
Hát xong một khúc, tràng pháo tay vang lên như sấm nổ trong cung điện nhưng ta lại nghe như trống đưa tang.
Ta thở dốc từng cơn, nôn một ngụm máu ra, bấy giờ Tiêu Lan mới chịu tha cho ta. Ta bị đám cung nữ dìu lên kiệu, trước khi đi còn chuốc ta cả một bầu rượu. Đó là rượu nhung hươu, tính nhiệt trợ hỏa, ta mơ màng nằm trong kiệu một lúc thì người nóng ran, máu sôi lên, tay chân run rẩy.
Kể từ khi thoái vị, ta một thân một mình nên cấm dục đã lâu, không kìm được luồn tay vào tiết khố từ từ giải tỏa dục vọng của bản thân. Nhưng men rượu như ngọn lửa cháy hừng hực, ta lại có bệnh trong người, ngay cả sức để tự an ủi cũng không có, ngón tay bủn rủn run rẩy nắn bóp ngọc hành mãi mà vẫn không hề có dấu hiệu tiết thân, trái lại còn càng lúc càng rạo rực.
Ta cắn tay áo, trong lòng vừa nhục nhã vừa phẫn nộ, chỉ muốn lôi một cung nữ đến để dập lửa. Ta xốc màn kiệu lên để xem thử còn cách đình U Tư xa lắm không nhưng lại thấy ngõ hẻm tăm tối, nào phải đường về đình U Tư?
Ta giật thót, thất thanh khiển trách cung nhân mang kiệu: “Nhầm đường rồi, các ngươi đi đâu đấy?”
“Hồi Thái thượng hoàng, bọn tiểu nhân đang tới tẩm cung của Hoàng thượng ạ.”
“Các ngươi dám… Đưa cô về!” Ta tóm lấy màn kiệu, lảo đảo ngã từ trên giường xuống mặt đất lát đá lạnh cóng đầy hơi sương ở ngoài, đầu óc choáng váng, thần chí mơ hồ. Bỗng nhiên nghe thấy một tràng tiếng vó ngựa lớn dần, ta cố gắng hé mắt ra, thấy một người phóng ngựa nhanh như bay tới trước mặt mình, siết cương thoăn thoắt nhảy xuống ngựa, gót ủng cứng cáp giẫm lên đá lát làm phát ra tiếng vang đanh thép rõ mồn một. Người nọ lại gần ta rồi bế ta lên.
“Ngũ… Ngũ điện hạ!”
“Để xem ai dám đưa người đi.”
Nghe thấy chất giọng trầm khàn do vỡ giọng của thiếu niên, ta buông lỏng cảnh giác, ngất đi.
Bình luận