Đại Ninh, Võ Định năm thứ ba, Hoàng đế ban chiếu lệnh thiên hạ lấy nghi thức Thái tử nghênh đón Thất Hoàng tử Tề Thiếu Xung vào ở trong Đại Tĩnh Cung. Giờ phút này, Tế Thiếu Xung lưu lạc dân gian mười năm đã có thể quay lại Thần Kinh, lần nữa chạm tới vùng đất trung tâm của đế quốc.
Triều đình lẫn dân chúng đều xôn xao, nhưng mấy lời bàn tán râm ran chỉ len lỏi nơi phố phường ngõ hẻm, còn nơi kim mã ngọc đường[1] thì vẫn yên ắng như mặt hồ đóng băng ngày Tam Cửu[2]. Nội các lục bộ dày dạn kinh nghiệm xuôi thuyền theo mái, mà Ngự sử ngôn quan bình thường gió thổi cỏ lay sẽ nhao nhao như ruồi thấy máu, nay lại trầm tĩnh khác thường.
[1] Chỉ những nơi tập trung các học sĩ, nơi nghị sự trong triều
[2] Ngày Đông Chí, cứ chín ngày là một cửu, thì đến cửu thứ ba sẽ là khoảng thời gian lạnh nhất, thông thường sẽ là trung tuần tháng giêng.
Lý do cũng không có gì, chuyện cũ giữ kín như bưng, riêng việc năm đó Tuệ Thuần Thái tử bị hại, Vĩnh Hi năm thứ 22 cung biến tranh quyền đoạt vị và chuyện con tù cấm cha, cha giết con. Có thể nói đây là chuyện xấu không thể tiết lộ của hoàng tộc, dấu vết từ quá khứ như dấu chân chim trên tuyết, không còn ai biết rõ ngọn nguồn.
Huống chi tuy nói ngày nay triều chính mạch lạc, hoàng đế bao dung nhưng người thông minh ắt hiểu, lời can ngăn đau thịt rát xương, phạm thượng là chuyện nhỏ, tâm địa bất chính muốn lật vảy rồng mới là tội lớn, người trước dễ thứ, người sau khó tha. Thời buổi thái bình mùa màng tươi tốt, ngôn quan cũng muốn lấy vợ nuôi con, đầu giường đặt lò sưởi uống rượu nóng, vui vẻ thoải mái sống những ngày bình yên.
Lễ bộ khâm thiên giám cẩn thận chọn ngày hoàng đạo, Tề Thiếu Xung được một hàng xe ngựa đông đảo chen chúc khói bụi mù mịt hộ tống, phía sau là dù che cửu long thêu hoa cỏ báo điềm lành, khiêng quạt song long cùng khổng tước, đội cầm cờ tán, cung tiễn, búa vàng, chùy vàng bước đi ngay hàng đúng lối, Hồng Lô Tự tấu nhạc lễ, quan chấp sự dẫn đường, hai đoàn thị vệ hùng dũng uy phong cưỡi ngựa đi theo, từ cửa đông Hoài Dương tiến vào nội thành, qua khỏi Chương Ý Môn là sẽ đến Đại Tĩnh Cung. Tề Thiếu Xung bước xuống xe ngựa, đạp lên bậc thềm cẩm thạch, vừa hay tuyết đầu mùa lất phất rơi.
Tề Thiếu Xung dừng chân, khép hờ mắt, đuôi mắt hơi nhếch, đôi con ngươi ẩn dưới hàng lông mi dày cong lạnh lùng nhìn bầu trời, trong lòng thoáng hoảng hốt:
“Tử Thạch, trận tuyết năm nay lớn quá…”
Giọng Mục Tử Thạch trong trẻo, lẫn trong đó là khí phách sáng ngời mà kiên định: “Tuyết rơi đúng lúc là điềm báo năm nay được mùa.”
Tề Thiếu Xung mặc áo bào xanh ngọc hoa lệ quý giá, thêu ngũ trảo kim long, thân trước thân sau có hình chính long (chỉ rồng quay mặt ra ngoài hoặc rồng ngồi), hai bên vai là hành long (rồng nằm bò trên bờ vai, sườn mặt hướng ra ngoài, cũng phân chia làm đầu ngước lên gọi thăng long và cúi xuống gọi giáng long), phần cổ áo, đai lưng thêu hình tử điêu (chồn đen), hơi ấm toả ra từ miệng hòa tan bông tuyết trước mặt, giọng hắn ta cất lên khe khẽ:
“Trường An chưa vắng người nghèo đói, tuyết rơi nhiều là điều không lành.”
Mục Tử Thạch mỉm cười, ngó nghiêng vào ánh mắt của Tề Thiếu Xung, buông ý sâu xa:
“Tuyết rơi đầu mùa, khắp chốn mừng vui, đúng lúc Điện hạ trở về nên mới coi là điềm lành.”
Tề Thiếu Xung gật nhẹ, không nói nữa.
Trước mặt hắn, đại thái giám Lương Vạn Cốc cung kính truyền lời: “Phụng khẩu dụ của hoàng thượng, truyền Thất Hoàng tử đến Trị Bình Cung diện thánh.”
Lần này Võ Định đế vội đón Tề Thiếu Xung hồi cung, nguyên nhân quá mức sâu xa khó lường. Ban long ân nghi thức Thái tử, lại không chính thức sắc phong ở Tuyên Đức Điện.
Ban cho ở Sùng Minh Cung, nơi vốn là Đông Cung cho các đời Thái tử. Ban ấn bảo Đông Cung, thuộc hạ, quản sự, tân khách đủ cả những lại không ban mũ miện, mãng bào Thái tử. Hơn nữa vào hôm Tề Thiếu Xung vào cung, hoàng đế cũng không hề cho bái kiến trong điện Thừa Thiên mà chỉ cho yết kiến cho cung Trị Bình.
Lòng vua như biển mò kim, cộng thêm những chuyện mà hoàng đế đã trải qua, quần thần càng thêm khó bề suy đoán.
Tề Thiếu Xung vẫn bình tĩnh ung dung, khóe miệng hơi nhếch phụng ý đối đáp thong dong, chẳng hề va vấp khiến lòng ai cũng khen thầm. Không hổ là máu mủ hoàng gia, trời sinh khí độ bất phàm, lại không biết lòng bàn tay Tề Thiếu Xung đã toát đầy mồ hôi nóng.
Vừa đến Hàm Quang Môn tiếp giáp nội đình, ngoại thần ngoại thị nếu không được truyền gọi thì không thể tự ý ra vào, thế nên ai nấy đều biết lễ mà lui. Tề Thiếu Xung mang theo sáu Long Sóc thị vệ cùng Mục Tử Thạch, còn có Lương Vạn Cốc yên lặng đi phía trước.
Xa cách hoàng cung đã mười năm nhưng đình đài lầu các vẫn quen thuộc như ngày đầu. Trong lúc bất chợt, có bông hoa tuyết rơi vào khoé mắt làm ướt nhoà đôi ngươi, có giọt nước bướng bỉnh còn bám lại trên hàng mi âm ẩm.
Mục Tử Thạch cảm nhận được, bởi vì bọn họ bước rất gần nhau, nương theo tay áo rũ xuống nhẹ nhàng chạm cổ tay hắn ta, nửa vỗ về nửa là nhắc nhở, chẳng ngờ Tề Thiếu Xung xoay cổ tay tóm lấy bàn tay Mục Tử Thạch, dùng dằng không buông.
Mục Tử Thạch giật thót, mày nhíu chặt, vùng vẫy muốn giật tay về. Tề Thiếu Xung chợt nghiêng đầu, sự bồng bột của thiếu niên cùng nét khờ dại dựa dẫm ùa về trong đôi mắt đen như mực. Đáy lòng Mục Tử Thạch mềm nhũn, tâm tư bỗng dạt về những năm tháng lưu vong, từ chạy trốn khỏi hang ổ sơn tặc đến lang bạc nơi phố thị phồn hoa, có nỗi khổ nào chưa từng trải qua. Hơi nóng từ lòng bàn tay Tề Thiếu Xung len lỏi xua tan giá lạnh bàn tay mình, tựa như dòng nước ấm rót vào mạch máu kẽ xương.
Nhìn người bỗng chốc biến thành hoàng tử hoa lệ cao sang, nhưng vẫn là thiếu niên năm đó cùng mình lớn lên, suốt mười năm gọi mình là ca ca.
Tuyết rơi càng lúc càng dày, người hầu đã bung ô che cho Tề Thiếu Xung tự bao giờ. Đoàn người vẫn tiếp tục bước đi trong cơn gió tuyết, dường như không một ai sợ sệt cái rét lạnh này.
Tề Thiếu Xung siết tay Mục Tử Thạch, nhịn không được hỏi: “Có lạnh không?”
Chất giọng trầm trầm nhưng lại chứa đầy dịu dàng, thân mật.
Mục Tử Thạch lắc đầu, bình tĩnh mà quy củ: “Tạ Điện hạ quan tâm.”
Tề Thiếu Xung sửng sốt, chợt hiểu ra giờ phút này thân đã ở hoàng cung, mọi ngôn hành cử chỉ đều phải vô cùng cẩn trọng chừng mực, nhưng hắn ta trầm mặc thể hiện sự bướng bỉnh của mình, nắm tay Mục Tử Thạch bước đi.
Khi chuẩn bị tiến vào Trọng Huyền Môn, đột nhiên xuất hiện hai bóng người đang đi tới, hô to:
“Thất đệ!”
“Thất ca!”
Mục Tử Thạch vội rút tay về, Tề Tiếu Xung liếc mắt thấy có hai người mặc áo bào màu xanh lam thêu tử điêu, trong đó một người đã vấn tóc đội kim quan, người còn lại khoảng mười bốn mười lăm tuổi, bọn họ có gương mặt trẻ con giống nhau, mắt hẹp dài, mũi cao. Hắn ta ngầm hiểu, đây là huynh đệ của mình, người lớn tuổi hơn có vẻ là Tề Chỉ Thanh, Ngũ hoàng tử Thụy vương do Trinh phi tức Trinh tiệp dư năm đó sinh, đứa nhỏ hơn thì hắn ta không nhớ.
Trong lúc Tề Thiếu Xung quan sát hai huynh đệ thì bọn họ cũng đánh giá hắn ta, con cháu Tề thị tướng mạo khá tương tự nhau, Tề Thiếu Xung cũng là gương mặt dài mắt một mí, nhưng do kế thừa đường nét khí chất được xưng tụng “Lưu hoa diệu nhật”[3] từ mẹ ruột, nên so với các huynh đệ khác thì hắn ta tuấn mỹ xuất sắc hơn.
[3]Lưu hoa diệu nhật: thanh cao, dịu dàng như ánh trăng, xán lạn, rực rỡ như mặt trời.
Tề Chỉ Thanh vốn tưởng Tề Thiếu Xung nhiều năm lưu lạc phố chợ, phẩm hạnh khí độ tất nhiên không thể bì kịp với người trong cung, không nghĩ tới lão Thất này mặc dù tuổi chưa đến lúc gia quan[4], nhưng toàn thân đã toát ra uy nghiêm của hoàng tộc khiến người ta phải liếc mắt nhìn, long chương phượng tư [5], lại thêm vai rộng eo thon tay dài chân dài, mạnh mẽ rắn rỏi, làm Cửu đệ đứng cạnh chỉ kém hắn ta vài tuổi nhưng trông trắng trẻo nhỏ nhắn, da dẻ non mịn, quá mức yếu ớt
[4] Gia quan: lễ đội mũ, thiếu niên khi đến 20 tuổi đều phải làm lễ gia quan, cho biết người đó đã trưởng thành.
[5] Long chương phượng tư: Tư thái hơn người, có tài năng của rồng và khí chất của phượng.
Đằng sau ánh mắt thân thiết của Tề Chỉ Thanh, là sự cảnh giác cùng ý thăm dò che giấu:
“Cuối cùng Thất đệ cũng về rồi, chúng ta nhiều năm không gặp, còn nhớ Ngũ ca này không?” Rồi hắn kéo thiếu niên kia qua: “Đây là Cửu đệ Diên Triệt, lúc Thất đệ rời cung thì đệ ấy mới bốn tuổi thôi… Giờ cầm bút giương cung được rồi đấy.”
Tề Thiếu Xung mỉm cười, tỏ ra cảm động: “Vốn tưởng đến yến tiệc tối nay mới có thể gặp chư vị huynh đệ, không ngờ Ngũ ca Cửu đệ đã đợi sẵn ở đây. Tuy nhiều năm không gặp, nhưng tình thủ túc dù qua bao lâu cũng chưa từng thay đổi.”
Tề Chỉ Thanh cười lớn, không biết làm sao để tiếp lời. Tề Diên Triệt là ấu tử (con út) của Trinh Phi, trước nay luôn được sủng ái, năm ngoái được phong làm An vương, tính tình ngang ngược phách lối. Hắn không quan tâm bản thân đang vỡ giọng mà quát thẳng:
“Thất ca, Trọng Huyền Môn này, huynh bước qua không nổi đâu!”
Sự thù địch hiện rõ trong lời, Tề Thiếu Xung lại coi đó là thiện ý, tò mò hỏi lại: “Lần tiến cung này mọi việc đều nghe theo ý chỉ Phụ hoàng, chẳng hay Trọng Huyền Môn này có gì không ổn?”
Dứt lời hắn ta liếc sang Lương Vạn Cốc, Lương Vạn Cốc là đại thái giám thân cận bên người Võ Định Đế kiêm tổng quản thái giám chính lục phẩm. Vào lúc này lão phải là người đứng ra, lấy danh nghĩa Võ Định Đế phản bác lại Tề Diên Triệt.
Tất nhiên Tề Thiếu Xung biết về cấm kỵ của Trọng Huyền Môn. Trọng Huyền Môn hay còn gọi là cửa Thái tử, chỉ có Thái tử mới được phép đi qua, những hoàng tử khác không thể tuỳ tiện ra vào. Bản thân hắn ta trở về cung theo nghi thức Thái tử đã làm xáo trộn cân bằng thế lực giữa các chư vị hoàng tử. Hiện tại hai người này đợi ở đây, chính là muốn ra oai phủ đầu trước.
Tề Thiếu Xung liếc qua, Lương Vạn Cốc vẫn cụp mắt rũ mi nhìn chằm chằm xuống đất như thể lão là tượng gỗ được đắp bằng bùn nhão vậy.
Lòng Tề Thiếu Xung bừng lửa giận, cẩu nô tài dám ra vẻ bàng quan.
Thái độ của Lương Vạn Cốc nhìn như không giúp bên nào, nhưng ý nghĩa trong đó là lão không để hắn ta vào mắt. Tuy không phải khinh thường, song cũng là đứng xem chừng, so đo.
Bên kia Tề Chỉ Thanh đã tiếp lời: “Thất đệ không ở trong cung đã lâu, ngay cả quy củ Trọng Huyền Môn cũng quên luôn rồi sao?”. Hắn nhếch môi, ân cần dạy bảo: “Thất đệ có từng làm lễ tứ bái ở bệ rồng Tuyên Đức Điện để nhận sắc phong chưa? Có từng đứng trước Thừa Thiên Điện nhận chúc mừng của triều thần quan lại? Hay từ đó thay thế Phụ hoàng tế thần bái miếu, kính báo tổ tông?”
Ba sự kiện mà hắn nhắc tới đều là nghi thức lễ chế của Thái tử sau khi nhận sắc phong, thấy lửa giận trong ánh mắt Tề Thiếu Xung ngày càng dữ dội, Tề Chỉ Thanh càng hả hê trong lòng. Hắn mỉm cười lắc đầu, nhìn quần áo của Tề Thiếu Xung rồi nói: “Thứ mà Thất đệ đang mặc, có phải là áo bào màu đen thêu chỉ đỏ theo quy chế dành cho Thái tử không?”
Tề Diên Triệt cười mỉa mai, sự miệt thị trào phúng không thèm che giấu, Thất ca rời cung mười năm, sớm đã thành người ngoài. Phụ hoàng ban thưởng vinh quang khác biệt cho hắn ta, lại không nhìn đến bản thân xứng hay không xứng. Thế là lời buột miệng thốt ra, giọng điệu như rất chắc chắn:
“Cho nên Thất ca à, Trọng Huyền Môn này ta nói huynh không bước qua được là không bước qua được… Chúng ta không đi được, huynh cũng đừng mơ tưởng.”
Còn chưa dứt câu, đã có người cất tiếng phản bác: “Điện hạ sai rồi.”
Chất giọng nhè nhẹ buốt giá như gáo nước lạnh, dội tắt chậu lửa hừng hực giữa lòng Tề Thiếu Xung. Khuôn mặt sượng ngắt như phết hồ dán dần thả lỏng, trở về dáng vẻ ung dung thờ ơ, dường như còn thoáng cười. Hiển nhiên hắn ta biết, với mồm mép thủ đoạn của Mục Tử Thạch đối phó với hai vị huynh đệ này giống như lấy dao mổ trâu giết gà, cường cung bắn chim sẻ vậy.
Tề Diên Triệt nghe có người thẳng thừng bác bỏ mình thì hơi sửng sốt, bèn quay sang nhìn. Thấy kẻ mở miệng đứng sát bên cạnh Tề Thiếu Xung chắc là quan lại thuộc đông cung, đang cúi đầu hành lễ theo quy củ nên chẳng nhìn rõ được mặt mày. Chẳng qua nét cằm nhòn nhọn, dáng người thì gầy yếu. Hắn vội quát hỏi:
“Ngươi thật là to gan! Bổn vương sai chỗ nào?”
Kẻ nọ chẳng hề hoảng loạn, thậm chí khi đối đáp còn mỉm cười nhã nhặn nhưng lời nói ra thì hùng hồn khí phách: “Thất điện hạ có thể đi qua Trọng Huyền môn.”
Suy cho cùng Tề Chỉ Thanh cũng đủ già dặn, bình thản hỏi: “Phụ hoàng vẫn chưa có chỉ sắc lập Thái tử, lẽ nào Thất đệ quyết muốn phá hỏng quốc pháp, vượt quá lễ chế?”
Câu này vô cùng thâm hiểm, cố ý gán tội cho người ta bằng lý lẽ đường hoàng nhưng nồng mùi đối địch.
Chẳng qua người đang nghe kia vẫn rất ung dung, từ tốn vặn lại: “Hoàng thượng ra chỉ ý, Thất hoàng tử vào cung theo nghi thức dành cho Thái tử. Cái gọi là nghi thức dành cho Thái tử nếu hai vị điện hạ vẫn chưa hiểu, có thể về hỏi giảng quan trong vương phủ.”
Tuy cúi đầu nhưng người này vẫn chuẩn xác nhắm về hướng Lương Vạn Cốc đang đứng một bên nhìn giày dưới chân, nhưng lỗ tai thì dựng thẳng: “Lương công công là nô tài thân cận hầu hạ bên cạnh Hoàng thượng, truyền khẩu dụ tuyên gặp, suốt chặng đường đến Trị Bình Cung, Thất điện hạ chỉ đi theo Lương công công thôi. Nếu hai vị điện hạ nếu cảm thấy Thất Điện hạ không thể qua được Trọng Huyền Môn, há chẳng phải nói Lương công công ngông cuồng suy đoán thánh ý, thậm chí giả mạo chỉ dụ Hoàng thượng, nhúng tay vào chính sự sao?”
Lương Vạn Cốc vốn định đứng xem trò hay, lòng thầm tính toán, giờ bỗng nghe trúng lời của Mục Tử Thạch lập tức cảm thấy ngọn lửa vừa rồi còn ở bờ bên kia nay đã thiêu trụi da thịt mình. Trên đầu hai hồn dưới chân năm phách đều bay đi hết, lão hoảng hốt lắc đầu không dám chần chừ, hai đầu gối quỳ bộp xuống mặt đá cẩm thạch, nước mắt giàn giụa, miệng kêu to oan uổng:
“Từ lúc không còn cái thứ thừa thãi kia thì lão nô đã là con chó theo bên cạnh hoàng thượng. Hoàng thượng nói cái gì, lão nô nghe vậy. Hoàng thượng bảo gặm xương, lão nô tuyệt đối không dám ăn thịt. Các vị điện hạ minh giám, cho dù có nhét hết gan chó trên đời này vào lồng ngực của lão nô, lão nô cũng tuyệt đối không dám làm mấy cái chuyện khi quân vọng thượng, quỷ thần khó dung như vậy mà!”
Lương Vạn Cốc được các thái giám cung nữ xưng là lão tổ tông, đã có lúc nào phải trải qua sự sợ hãi như vậy? Nhưng ba tội danh “Suy đoán thánh ý, giả mạo chỉ dụ, nhúng tay chính sự” thật sự là quá ác độc, quá đáng sợ. Phải nhớ rằng tiền triều vong cũng chính là vì loạn yêm (hoạn quan) đảng, mà các đời hoàng đế của bổn triều kiêng kỵ nhất chính là việc hoạn quan lộng quyền làm bậy.
Lương Vạn Cốc run lẩy bẩy dập đầu không ngừng, thầm hận chính mình nhất thời hồ đồ khinh xuất, ngạo mạn khinh thường Thất điện hạ. Nếu bạn nãy lão khôn khéo, đọc khẩu dụ của Võ Định Đế trước mặt ba vị hoàng tử lần nữa thì cho dù huynh đệ bọn họ cãi nhau lão cũng thoải mái phủi tay sạch sẽ, đâu cần phải chịu liên lụy như bây giờ? Xong chuyện lần này, quay về lão phải lấy lá ngải cứu với nước muối rửa sạch hai con mắt chó của mình mới được. Nếu không sao lão lại không nhìn ra, bên cạnh Thất điện hạ lại có nhân vật không thể chọc vào như vậy chứ? Giờ đúng là tìm chết mà!
Ngày thường Trinh Phi nịnh hót đưa hối lộ cho Lương Vạn Cốc không ít, lúc này Tề Diên Triệt thấy bộ dạng lão hèn nhát như vậy cũng bực mình mất mặt, bèn đạp một cú: “Cẩu nô tài câm miệng cho ta! Cút qua một bên mà quỳ đi.”
Lương Vạn Cốc như được đại xá, vội vàng hô: “Tạ ân điển của Điện hạ”. Ngay sau đấy lão lê đầu gối, làm nô tài đã quen nên quỳ gối so ra còn nhanh hơn cả đứng thẳng người, nháy mắt lão đã quỳ rất xa.
Tề Thiếu Xung biết thứ nô tài này đều là lũ ti tiện, sở trường bắt nạt kẻ yếu, giờ coi như mượn cớ dạy dỗ một phen. Bởi vậy hắn ta chỉ lạnh lùng liếc lão, xem thường không muốn nói tới.
“Nếu Ngũ ca Cửu đệ không còn chuyện gì khác, vậy ta đi yết kiến Phụ hoàng…”. Thấy hai người vẫn tỏ ra do dự căm giận, hắn ta không cười nữa mà nghiêm mặt gằn giọng: “Nhường đường.”
Tề Chỉ Thanh nhìn ánh mắt Tề Thiếu Xung mà trong lòng thoáng run, hắn vội lấy lại bình tĩnh, giọng không cam lòng: “Triều đình có quy tắc, từ nhỏ Thất đệ rời cung nên chưa được đọc <Đại Ninh thông lễ>, trong thông lễ ghi: Trọng Huyền Môn, cửa chính đông nội đình, ngoại trừ Hoàng Thái tử thì các hoàng tử không được tự ý ra vào. Thông lễ là Thái tổ Hoàng đế đích thân ra lệnh biên soạn sửa chữa, một chữ tựa ngàn cân, không thể phá vỡ.”
Tề Thiếu Xung nhướng mày, mỉm cười nhìn hắn đầy ẩn ý, không vội phản bác.
Tề Chỉ Thanh giật thót trong lòng, quả nhiên lại nghe vị quan Đông Cung dọa khóc Lương Vạn Cốc mở miệng nói: “Điện hạ sai rồi.”
Tề Chỉ Thanh cực kỳ không muốn đáp lời y, nhưng Tề Thiếu Xung đã giành nói trước: “Ngươi nói xem Ngũ ca sai chỗ nào? Nói không đúng, ta sẽ phạt đấy.”
Người nọ khẽ cười: “Quy chế là thứ chết, Hoàng thượng đang độ tuổi xuân, chẳng lẽ Thụy Vương Điện hạ nghĩ Hoàng thượng cho phép Thất Hoàng tử bước qua Trọng Huyền Môn là đi ngược với quy chế Thái tổ sao?”
Kẻ cầm một điển tịch chết, người cậy vào một Hoàng đế sống, ai thắng ai bại, nhìn qua đã biết.
Tề Chỉ Thanh giận không kiềm được: “To gan! Pháp luật triều đình, sự thánh minh của phụ hoàng há có thể để ngươi càn quấy vọng ngôn bất kính?”
Người nọ đáp ngay: “Vi thần không dám.”
Tề Chỉ Thanh cười mỉa mai. “Bổn vương thấy gan người lớn lắm, cũng dám lắm.”
Người nọ nói: “Không phải lá gan vi thần lớn, mà triều đình có tiền lệ tra cứu được…”
Giọng y vang lên đều đều: “Thái Sơ năm thứ mười, Thập Tam hoàng tử đi qua Trọng Huyền Môn vào nội đình, đến năm thứ mười bốn thì sắc phong làm Hoàng Thái tử, năm thứ mười bảy kế vị.”
Tề Chỉ Thanh biến sắc.
Người nọ lại nói: “Mùa xuân năm Kiên Hòa thứ tư, Đại Hoàng tử đi qua Trọng Huyền Môn, mùa thu năm thứ tư sắc phong Hoàng Thái tử, năm thứ mười một kế vị.”
Ngươi nọ đột nhiên im lặng, rồi nói tiếp: “Vĩnh Hi năm thứ tư, Tứ Hoàng tử mới trăm ngày đã đi qua Trọng Huyền Môn, năm thứ năm sắc phong Hoàng Thái tử, năm thứ hai mươi hai hoăng (chết), thụy hào Thánh Đức Tuệ Thuần Thái tử.”
“Ba vị này đều đã đi qua Trọng Huyền Môn lúc còn chưa sách phong làm Hoàng thái tử, không biết hai vị điện hạ có nhớ?”
Tề Chỉ Thanh nghi hoặc, hắn đã sớm cho người điều tra, Tề Thiếu Xung trở về Thần Kinh bên cạnh chỉ dẫn theo một kẻ lang thang mà thôi, lại nghe nói hắn ta ở dân gian vô cùng khốn khổ thăng trầm nên nghĩ người cận kề chăm sóc cũng là hạng tiểu dân tầm thường, không thèm điều tra cặn kẽ. Chẳng ngờ người này lại am hiểu luật điển, có can đảm có kiến thức, thầm nghĩ bản thân quá sơ xuất.
Hắn vội vàng hỏi: “Ngươi… sao biết rõ chuyện trong cung như vậy?”
Bình luận
Nếu bạn nãy lão khôn khéo -> ban nãy.
___________________
Cuối cùng ẻm cũng lên rồi rồi ❤️