Tieudaothuquan

0

Chương thứ hai mươi hai

Bò sữa không mua được, nhưng dê sữa thì vẫn có. Trên lãnh địa có hai con dê vừa sinh con, Trì Yến háo hức dạt dào kêu người hầu đi nấu chín sữa. Dưới ánh mắt quái dị của quản gia và bọn người hầu, Trì Yến uống một ngụm.

“Phụt” Trì Yến vừa nhấp thử đã phun ra.

Trì Yến: “… Cái mùi quỷ gì vậy?”

Cái này khác hẳn với sữa dê Trì Yến uống trước khi xuyên qua! Tanh chết đi được!

Quản gia rất bình tĩnh: “My lord, sữa dê chính là hương vị này.”

“Nếu ngài muốn uống sữa thì thuê hai người đang cho con bú sẽ tốt hơn.” Quản gia nói: “Rất nhiều quý tộc đều làm như vậy.”

Uống sữa người à?

Gu mặn ghê, Trì Yến tỏ ý từ chối.

Tiếc là ở đây không có lá trà, nếu bỏ một ít trà vào nấu chung có lẽ sẽ khử bớt mùi tanh. Trì Yến lại bắt đầu nhớ nhà, dù sao trước khi xuyên qua y cũng là thành viên trong hội ăn hàng, muốn ăn cái gì mà không có? Trà sữa kem cheese, tôm hùm đất xào ốc, đến chỗ này ngay cả bánh mì thêm đường trứng sữa còn không được ăn.

Hôm nay là một ngày trời quang mây tạnh hiếm hoi, nô lệ được Trì Yến phái ra ngoài hái nho rừng. Nho rừng khác nho vườn, nhỏ hơn, vị cũng chua hơn, dùng để ủ rượu cũng không ngon bằng nho vườn nhưng Trì Yến không kén chọn. Dù sao y cũng đã hết tiền, vật dụng bạc trong tòa thành bị bán hết, còn vàng thì bất kể thế nào cũng không thể bán.

Có nho để hái không tốn tiền thì nên cảm ơn trời đất, trong lòng mang ơn.

“Làm xong đồ chưa?” Trì Yến hỏi quản gia.

Đồ y nói chính là dụng cụ chưng cất nguyên thủy, vẫn dùng ổ mối. Ổ mối quanh đây đã bị bọn họ quét sạch. Chờ rượu ủ xong, đun dưới lửa lớn, rượu được chưng cất sẽ chảy ra từ ống gỗ. Làm như vậy rượu sẽ có nồng độ cồn cao và hương thơm thuần khiết hơn. Nếu không phải vì ủ rượu lúa mì cần phải có men rượu, thì Trì Yến đã làm rượu ngũ cốc, nồng độ cồn cao hơn không chừng còn khử trùng được miệng vết thương.

Thân lúa mì có thể dùng làm thần khúc*, sau đó dùng để sản xuất rượu vàng*.

(*Thần khúc: là chế phẩm từ bột mì và các vị thuốc khác (khoảng 40 – 50 vị) được ép thành khuôn, lên men tự nhiên. Dược liệu được dùng chủ yếu trong điều trị chứng bụng đầy, thực tích, ăn kém, sôi bụng tiết tả… Xem thêm tại: )

(*Rượu vàng (hoàng tửu): một loại rượu của Trung Quốc có màu vàng)

Lúc mẹ Trì Yến ở nhà rảnh rỗi đã từng làm, cơ mà không thành công, rượu vàng của bà làm rất đắng. Nhưng Trì Yến thấy bây giờ ủ rượu nho tiện hơn, không cần men, lớp sương trắng ngoài vỏ nho dùng để thay thế men rượu.

Quản gia gật đầu: “Đã làm xong theo ý của ngài.”

Quản gia cho rằng Trì Yến đang giỡn chơi, dù sao kỹ thuật ủ rượu đều nằm trong tay của thương nhân lớn và Thánh viện, hơn nữa giá của rượu rất đắt nên chỉ có Lãnh chúa quý tộc và thương nhân đó mới mua nổi. Ông chưa từng nghe nói ủ rượu còn phải làm thêm mấy thứ kì lạ gì đó. Dù sao chỉ mất một ít nho rừng, không tốn tiền nên quả gia không ngăn cản.

Nếu không phải do Trì Yến không biết làm nước tương thì y còn muốn làm luôn. Mùi hương liệu và hương vị ở đây Trì Yến vẫn chưa quen, ngoài biết việc nước tương làm từ đậu nành thì y hoàn toàn không biết gì nữa. Nếu biết mình sẽ xuyên không, y nhất định sẽ in một xe tài liệu mang tới đây.

Tất cả các nô lệ cùng nhau dốc sức nên chỉ một ngày đã hái hết toàn bộ nho rừng quanh lãnh địa trở về. Họ ăn không ít, tuy vừa chua vừa chát nhưng đối với các nô lệ đây xem như loại trái cây rất ngon. Lúc trước họ vội vàng làm việc, không được vào rừng khi chưa được cho phép chứ đừng nói chi đến việc được ăn nho.

Lãnh chúa trước đây cũng không ăn mấy loại quả dại như này. Muốn ăn trái cây thì dùng lúa mì đi đổi với nhà vườn, nhưng nhà vườn không tham tiền, nếu quý tộc không mua thì họ thà đem bỏ chứ không bán cho dân thường và người nghèo.

Lúc quản gia nói như vậy, Trì Yến nhớ ở Mỹ có một khoảng thời gian mà nhà máy sữa thà đem đổ hàng tấn sữa cũng không muốn bán giá thấp hay cho những người nghèo. Bởi vì cho miễn phí, bán giá thấp có phí tổn cao hơn rất nhiều so với việc tiêu hủy. Tặng miễn phí cần nhiều nhân viên, bán giá thấp thì cần đóng gói và tiền thuê cửa hàng. Làm sao cũng không bằng việc đổ bỏ, nếu không tổn thất càng nhiều thì càng chết người hơn.

Từng sọt từng sọt nho rừng đã được nô lệ chuyển vào kho, trên mặt họ mang theo nụ cười, hiển nhiên hôm nay rất vui. Lúc họ vào rừng ấy vậy mà không ai canh giữ, ngoài hái nho họ còn ở trong rừng chơi rất lâu. Dường như họ chưa bao giờ chạy trong rừng kể từ khi sinh ra, chưa từng cảm nhận được cảm giác gió mát thổi vào mặt.

Một nữ Người lùn hái được nhiều nho nhất, cô hái cũng rất khéo, không có quả nào bị dập nát mà tất cả đều còn nguyên. Vì vậy cô được thưởng một miếng thịt xông khói nhỏ và một ổ bánh mì trắng.

Trì Yến tin là cổ vũ có ích hơn trừng phạt. Trừng phạt nghiêm khắc sẽ khiến nô lệ làm việc, nhưng họ sẽ không để tâm, càng nghiêm khắc sẽ càng phản tác dụng. Nếu khen thưởng thì lại khác, làm nhiều hưởng nhiều. Hơn nữa trong một tập thể, mọi người sẽ luôn phân chia cao thấp với nhau.

Tôi không kém hơn nó, tại sao nó có thể, tôi lại không thể?

Nô lệ cũng là người, người thì như nhau. Trừng phạt là biện pháp cuối cùng, chứ không phải là biện pháp tốt nhất.

Nữ Người lùn không ngờ mình sẽ được thưởng, cô thấy tất cả Người lùn cũng đang dùng ánh mắt hâm mộ nhìn mình. Cô là người rất dễ xấu hổ, nhận phần thưởng trong tay người hầu xong thì cúi đầu không nói lời nào, cũng không dám ngẩng đầu, mặt cô đỏ rực như quả táo.

“Mang nho đi rửa đi.” Trì Yến nhấn mạnh lúc rửa không được làm trôi lớp màu trắng trên vỏ, ủ được rượu hay không đều nhờ vào lớp trắng đó.

Vì thế, lúc rửa cũng phải nhẹ nhàng, dùng nước rửa sơ hai ba cái rồi dùng tay bóp nát. Trì Yến từng nghe nói có thể để mấy cô nàng trẻ tuổi đi chân trần bỏ nho vào thùng rồi dẫm, nhưng xét thấy dùng chân không vệ sinh lắm nên để người hầu rửa tay sạch sẽ rồi bóp, một tay đập nát cũng được, tóm lại không được dùng chân, ai biết được chân có bị lở loét gì hay không?

Kleist chưa từng thấy cách ủ rượu thế này, có lẽ hắn thấy thú vị nên cũng dùng tay bóp một thùng nho, nước nho từ ngón tay Kleist nhỏ xuống càng tôn lên làn da trắng muốt, động tác này không có tí thô tục nào trái lại vô cùng tao nhã.

Giống như rượu làm từ nho hắn bóp sẽ thơm ngon thuần khiết hơn.

“Anh thích uống rượu không?” Trì Yến ngồi xổm một bên, nhìn Kleist thong thả ung dung mà bóp nát từng quả nho.

Kleist mỉm cười: “Lâu lâu sẽ uống một ít.”

Trì Yến thích thú: “Các anh ủ rượu như thế nào?”

Kleist lắc đầu: “Tôi chỉ biết uống, không biết ủ.”

Trì Yến “xì” một tiếng, nhỏ giọng: “Tôi còn tưởng cái gì anh cũng biết.”

Lúc trước y thật sự nghĩ Kleist hiểu hết mọi chuyện, cái gì cũng biết, thật sự là một quyển bách khoa toàn thư di động, không ngờ cũng có thứ mà hắn không biết.

Kleist dừng lại, hắn không lau nước nho trên tay mà vươn tay ra, dùng ngón cái và ngón trỏ nắm cằm Trì Yến để y ngẩng đầu. Nước nho đỏ tím dính lên mặt Trì Yến, y mê mang nhìn Kleist. Ngón tay Kleist hơi dùng sức, đối phương lộ vẻ mặt như vậy khiến hắn không nhịn được dục vọng trong người, con ngươi tối sầm, hắn nói: “Lúc thất vọng không cần thể hiện rõ như vậy, tôi sẽ đau lòng lắm.”

Trì Yến chớp mắt, y phản ứng trong vài giây, thấy giọng điệu của mình lúc này quả thực không tốt. Đối phương giúp y nhiều đến vậy, tại sao chỉ vì hắn không biết ủ rượu mà mình lại thể hiện sự thất vọng rõ ràng như thế?

Làm tổn thương lòng tự trọng của Kleist thì phải làm sao bây giờ?

Vì vậy Trì Yến tích cực nhận sai, thái độ nghiêm chỉnh: “Tôi sai rồi, tôi sẽ rút kinh nghiệm, lần sau không dám nữa.”

Y lo Kleist còn giận nên nhìn vào mắt Kleist, dùng giọng điệu giống lúc làm nũng với cha già của mình: “Anh tha thứ cho tôi nha, năn nỉ á.”

Kleist khẽ cười, đầu hàng. Hắn cầm lấy chiếc khăn sạch kế bên đưa cho Trì Yến: “Mau lau cằm đi kìa.”

Lúc này Trì Yến mới nhớ trên tay Kleist dính nước, sau khi cẩn thận lau khô, y ngửa mặt hỏi Kleist: “Còn không vậy?”

Kleist: “Hết rồi.”

Trì Yến gật đầu, bỗng hỏi Kleist: “Bộ dạng tôi thế nào?”

Kleist nhìn Trì Yến, vẻ mặt nghi hoặc.

Trì Yến chỉ thấy mặt mình trong gương đồng, lúc này chưa có gương thủy ngân nên hình ảnh phản chiếu trên gương đồng rất mờ, cứ như thể dính mười hai lớp soft light, lọc ảnh quá sâu. Kỹ thuật mài kính không tốt, với diện mạo của bản thân y chỉ có khái niệm tàm tạm. Dù sao cũng là tóc đen, mắt màu hổ phách, hốc mắt sâu hơn trước kia, mũi rất cao, ngoài ra y không biết gì nữa.

Trì Yến: “Tôi đẹp lắm sao?”

Trì Yến lo lắng thở dài.

Y cảm thấy mình được người ta nhìn say đắm như vậy là do khuôn mặt xinh đẹp hại nước hại dân này. Y muốn làm một anh chàng đẹp trai, nhưng có điều cái giá hơi đắt. Có anh chàng đẹp trai nào đi trên đường bị sờ mông không?

Kleist không biết Trì Yến muốn đáp án như thế nào, chỉ đành nói: “Rất đẹp.”

Trì Yến: “Có phải là người đẹp nhất anh từng gặp hay không?”

Kleist: “…”

Trì Yến sờ sờ ót: “Xin lỗi nha, tôi quên mất. Trông anh như thế này, có lẽ không phân biệt được đâu là đẹp xấu.”

Y thấy Kleist không giống những người khác thích y như vậy, chắc là do bản thân Kleist trông rất xinh đẹp.

Kleist chớp mắt, biểu cảm vô tội, hắn không biết Trì Yến có ý gì, là đang châm biếm hay đang khen ngợi?

Trì Yến thấy mình không tìm được đáp án từ Kleist, nên chống cằm thở dài tự trách: “Quá đẹp cũng là một cái tội.”

Kleist cúi đầu bóp quả nho, đôi khi hắn muốn xem thử trong đầu Trì Yến rốt cuộc đang nghĩ cái gì.

Trì Yến: “Tôi đi rửa tay, lát về bóp nho với anh.”

Trì Yến đứng lên, Kleist quay đầu nhìn bóng lưng Trì Yến. Có lúc hắn thấy Trì Yến ngây thơ một cách quá đáng, lúc lại thấy Trì Yến có một cái đầu thông minh.

Trì Yến quá phức tạp, hắn có hơi nhìn không thấu. Nhưng càng nhìn không thấu, hắn lại càng không thể dời mắt.

Cứ muốn nhìn mãi như vậy.

_______________

Tác giả có lời muốn nói:

Trì Yến: “Tôi đẹp không?”

Kleist: “… Đẹp.”

Trì Yến: “Haizz, tại sao ông trời đã cho tôi một bộ óc thông minh còn tôi cho thêm vẻ ngoài xinh đẹp tuyệt vời đến nhường này.”

Mọi người: “…”

Hết chương thứ hai mươi hai

 

 

Bình luận

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x