Chương thứ năm
…
Thời tiết lạnh dần, mùa mưa sắp đến, các nô lệ hoang mang khiếp sợ. Họ không giống những người hầu hạ Lãnh chúa, tuy ngủ ở hành lang nhưng tốt xấu gì cũng ở trong thành, có thể che mưa chắn gió. Còn bọn họ chỉ ngủ ở ven bờ ruộng, trên bùn đất ẩm vừa lạnh vừa ướt.
Nếu bị bệnh sẽ bị đuổi khỏi thành, để tránh lây bệnh cho người khác.
Mỗi khi đến mùa mưa, không có nô lệ nào dám đảm bảo bản thân có thể chịu đựng được đến năm sau.
Địa tinh cuộn mình nằm giữa đám nô lệ, nhưng vẫn rất lạnh. Bọn họ không có quần áo cũng không có chăn, khi lạnh chỉ có thể ôm nhau, vết thương trên mặt nó đã được mẹ bôi tro. Lúc bị đánh thức còn rất mờ mịt bởi vì trời vẫn chưa sáng, nhưng nó chợt nhớ ra, mùa mưa đến thì ngày ngắn đêm dài. Vì vậy quản sự gọi họ dậy làm việc.
Nhưng hôm nay ngoại trừ âm thanh tràn ngập khinh bỉ ghét bỏ của quản sự, còn có thêm mùi thức ăn. Thiếu niên Địa tinh rất đói, nó nuốt nước miếng, đứng dậy cùng những người khác.
“Lãnh chúa ngài ban đồ ăn cho chúng mày! Để chúng mày một ngày ăn hai bữa đấy!” Bọn người hầu phía sau quản sự mang theo mấy thùng cháo nóng hầm hập, không bỏ bất cứ hương liệu hay gia vị gì, ngay cả muối cũng không có.
Ngoại trừ quản sự, tất cả mọi người kể cả người hầu đều nuốt nước miếng. Cho dù mùi vị như thế nào, có cái để lấp bụng là tốt lắm rồi.
Quản sự hiển nhiên cũng giống quản gia, không tán thành việc cho nô lệ nhiều đồ ăn như vậy, mặt ông ta khó chịu y như nô lệ thiếu tiền ông ta vậy.
Các nô lệ vội vàng giơ bát mình ra, Lãnh chúa chưa bao giờ chuẩn bị đồ dùng nhà bếp cho họ. Thế nên họ tự mình nghĩ cách khác, mấy cái “bát” hình dạng kì lạ gì cũng có. Bát của thiếu niên Địa tinh là do nó nhờ Người lùn làm giúp, dùng loại đá dễ vỡ khoét một lỗ ở giữa, bát này dùng bền hơn bát gỗ nhưng không được để rơi xuống đất, rơi xuống sẽ vỡ ngay. Đây là tài sản quý giá của Địa tinh, nó nuốt nước miếng chen vào cùng với mẹ, đợi bọn người hầu múc cháo cho.
Đám nô lệ không dám lên tiếng nhưng đều mở to hai mắt mệt mỏi, nghiêm túc nhìn thìa của người hầu. Một ngày hai bữa, đây là chuyện tốt mà họ không dám nghĩ đến.
Sau khi múc cháo xong, nô lệ ngồi xuống đất, lấy tay bốc ăn hoặc là dùng bát húp.
Địa tinh: “Mẹ ăn đi, con no rồi.”
Nữ Địa tinh vẫn kiên trì đổ sang cho nó một ít: “Mẹ không đói, con ăn đi.”
Địa tinh nhỏ giọng: “Lãnh chúa mới đến chịu cho chúng ta một ngày hai bữa đó.”
Người đầu trâu bên cạnh húp hết bát cháo: “Lãnh chúa mới, nhất định là người tốt.”
So với Địa tinh và Người lùn, đầu óc của Người đầu trâu là đơn giản nhất, chủng tộc của bọn họ cũng là chủng tộc nô lệ được chào đón nhất. Thân thể rắn chắc không dễ bị bệnh, sức lực lớn, có thể khai hoang cày ruộng, hơn nữa lại rất thật thà. Chưa từng có tin hay lời đồn gì về việc nô lệ Người đầu trâu bỏ trốn, giá của bọn họ là mắc nhất trong các chủng tộc.
Người đầu trâu vẻ mặt thỏa mãn nói: “Nếu mỗi ngày có thể ăn hai bữa thì tốt quá rồi.”
Gã lau miệng, đi vào rừng cùng với đồng bọn, tiếp tục khai hoang.
Địa tinh quý trọng liếm sạch bát, sau đó mới ra ruộng với mẹ mình.
Chắc do bữa ăn hiếm có này, nguyên buổi sáng Địa tinh không nghe tiếng bụng ai kêu nữa.
Bụng các nô lệ không kêu nhưng bụng Trì Yến thì bắt đầu kêu.
Y nằm trên giường, cảm thấy có lẽ mình sẽ không chết vì bệnh mà là chết vì đói, bởi vì bánh mì nhạt nhẽo vô vị, mùi súp thì kỳ lạ. Buổi tối hôm trước y không ăn nhiều, khuya đến lại đói bụng, ngượng ngùng bảo đầu bếp làm thức ăn khuya cho mình. Vì thế sáng hôm sau, bởi vì còn no nên lúc ăn cơm chẳng ăn được bao nhiêu. Chờ đến trưa, Trì Yến đã đói muốn xỉu.
Khi quản gia tới gõ cửa, Trì Yến nghe tiếng lập tức ngồi thẳng dậy.
Quản gia sửa sang lại quần áo cho Trì Yến, nói về chuyện của lãnh địa, mặt ông nghiêm túc, có vẻ vô cùng trang trọng.
“Phân đã được dọn dẹp sạch sẽ, nhà vệ sinh cũng xây xong rồi.”
Nói là nhà vệ sinh, thật ra chỉ là mấy cái hố to sau khi đi xong thì lấy đất lấp lại, ở cạnh hố có đống đất để sẵn.
Nói chung tốt hơn trước kia rất nhiều.
“Chúng ta không nuôi thêm động vật hả? Trâu bò lợn dê các thứ?” Trì Yến kì lạ hỏi, bởi vì nước tiểu và phân động vật có thể dùng làm phân bón.
Y khá kháng cự phân của con người nhưng không hiểu sao lại không kháng cự phân động vật, có lẽ do không phải đồng loại nên không thấy bẩn. Ví dụ như lúc trước y nuôi chó, thường xuyên phải dọn phân nhưng không cảm thấy gì, đâu phải là thực vật đâu mà không bài tiết.
Nhưng nếu là người thì không được, đi nhà vệ sinh công cộng mà thấy không dội nước y đã cảm thấy ghê tởm muốn ói.
Quản gia nhíu chặt mày, nghiêm túc nói: “Thánh viện không phê duyệt thì chúng ta không thể nuôi động vật. Sau khi được Thánh viện phê duyệt phải tiến hành nghi thức thanh khiết*, rồi chúng ta mới được nuôi. Nếu không, ai biết trên người động vật có ấn ký gì của ma quỷ hay không?”
(*Thanh khiết: vệ sinh sạch sẽ).
Trì Yến im lặng nghĩ, thế giới này có Địa tinh, Người lùn, Người đầu trâu, nếu có ma quỷ tồn tại thì cũng chẳng có gì lạ.
Trì Yến dứt khoát: “Chúng ta đến Thánh viện gần nhất xin nuôi động vật đi.”
Quản gia nghĩ nghĩ, cho rằng không thể nhưng vẫn hỏi: “Chúng ta sẽ nuôi con gì?”
Ngựa thì không thể, đây là động vật cao cấp, chỉ có Thánh viện mới được nuôi. Bởi vì ngựa vốn là vật cưỡi của Thánh linh, chỉ có Thánh viện mới xứng để nuôi.
Nhưng Trì Yến là người xuyên không tới nên sẽ không tin, cho dù thế giới này có năng lực siêu nhiên cũng không thể liên quan tới ngựa.
Giống như mèo đen, ở phương Tây không tượng trưng cho cái gì rõ ràng, có nơi thì mèo đen thì đại diện cho những thứ dơ bẩn tới, nhưng ở phương Đông mèo đen là vật có thể trừ tà. Nhà có nuôi mèo đen thì yêu ma quỷ quái bình thường không thể tới gần.
Những chuyện này thì rốt cuộc nên nghe theo phương Đông hay phương Tây?
Trì Yến càng sẵn lòng tin vào phương Đông, ngoại trừ việc y là người phương Đông, còn một lý do khác vì mèo đen thật ra là vật phụ thuộc vào sự vận động của phù thủy, bản thân nó đã có một loại năng lực từ phù thủy phóng ra. Bởi vì mèo đen là hóa thân của phù thủy có liên quan đến con người. Mà ở phương Đông, nó hoàn toàn độc lập, nó có đầy đủ đặc điểm của một sinh vật độc lập.
Lý do Thánh viện độc quyền nuôi ngựa rất rõ ràng, ngựa là vật tư chiến lược, ở nơi không có kĩ thuật hiện đại thì ngựa là sự tồn tại không thể thiếu trên chiến trường. Kỵ binh mạnh hơn bộ binh, đây là điều mà ai cũng biết.
Vì vậy Thánh viện không cần tốn nhiều công sức để kiểm soát mọi thứ của đất nước này, ngay cả chính trị kinh tế và cả lực lượng cũng thế.
Trì Yến: “Nuôi trâu đi, nuôi thêm gà vịt cũng được, cả lợn nữa.”
Quản gia cảm thấy không tồi, thịt của mấy con này đều rất ngon. Người ở đây không thể ăn thịt lợn, không phải vì giáo lý hay sợ thịt bẩn, đơn giản là vì không có thịt lợn để mà ăn thôi.
Nuôi lợn không giống như nuôi gà hay vịt, lợn phải nuôi bảy tám tháng mới lớn. Ở đây không có thức ăn gia súc, tốn thời gian nuôi lợn tới lúc thu hoạch thì phát hiện thịt lợn còn không bằng một nửa số thịt gà thịt vịt nuôi trong số tháng đó, nên dần dà không còn ai nuôi lợn nữa.
Ở ruộng không có phân nên Trì Yến mới chịu ra khỏi thành đi dạo, từ khi đến đây y vẫn chưa tiếp xúc gần gũi với “con dân” của mình. Mặc dù trong mắt quản gia, họ chỉ là “nô lệ”.
Trì Yến đi trên nền đất đã bị dẫm bằng phẳng, Albert và Carl đi theo phía sau, bên cạnh là Kleist, người còn giống Lãnh chúa quý tộc hơn cả y.
Giương mắt nhìn “con dân” có nam có nữ nhưng đều là mấy đứa nhóc, thanh niên với trung niên chứ không có người già.
Trì Yến cảm thấy lạ hỏi: “Không có người già hả?”
Quản gia đương nhiên nói: “Nô lệ không thể sống tới già.”
Albert: “Ngay cả binh sĩ hay kỵ sĩ cũng chỉ một số ít mới sống đến già thôi! Ngài không cần đau buồn vì chúng, có thể trở thành nô lệ của ngài là vinh hạnh suốt đời của bọn chúng rồi.”
Trì Yến: “…”
Người anh em, chú mày vẫn nên câm mồm thì hơn.
Trái lại Kleist nói: “Cả đời bọn họ đều phải lao động vất vả, lại không có thuốc thang, xảy ra chuyện không may hay bệnh tật rất dễ khiến họ mất mạng.”
Quản gia lại cảm thấy chẳng sao, hơn nữa ông còn cho rằng như thế mới tốt: “Người già không thể làm việc, sống chỉ lãng phí lương thực. Cho dù là lương thực người ta tặng, cũng rất lãng phí.”
Về phần ông, tuy ông đã già nhưng vẫn còn tác dụng, ông là người có phẩm chất cao thượng chứ không giống bọn nô lệ đó.
Trẻ con giống như cỏ dại từ dưới đất chui lên, chúng không có sự hoạt bát của trẻ con. Cuộc sống vất vả khiến chúng phải trưởng thành từ thuở bé, bởi vì chúng sớm biết cuộc sống này không dễ dàng. Một đám người nhỏ đầu to không mặc gì cả, hít nước mũi nhổ cỏ, có hai đứa thấy Trì Yến cũng không dám nhìn thẳng mà chỉ run sợ trộm nhìn y.
Đây là Lãnh chúa mới của bọn nó.
Thật là đẹp quá đi!
Bọn nó hít nước mũi cẩn thận lén nhìn, có mấy đứa còn cắn tay chảy nước miếng. Hy vọng Lãnh chúa mới tốt với bọn nó hơn. Cũng không cần quá tốt, chỉ cần cho bọn nó ăn no một bữa lúc thu hoạch là được rồi.
Trì Yến không nghe được tiếng lòng của nhóm trẻ con, nhưng chỉ nhìn bộ dạng của tụi nó Trì Yến đã cảm thấy rất khó chịu. Y sinh ra ở Tân Hoa Hạ, là một thanh niên tiên tiến, trước khi xuyên qua việc xấu nhất mà y làm là sửa điểm thi của mình để khỏi bị đánh đòn, nhưng cuối cùng bị phát hiện còn ăn đòn gấp đôi.
Còn chuyện tốt nhất y làm chính là dùng tiền làm thêm hè với nghỉ đông quyên góp cho trẻ em vùng núi. Y tự nhận bản thân chỉ là người bình thường, có lúc ích kỷ nhưng không thể trở nên xấu xa. Có lúc tốt bụng nhưng cũng chưa hẳn là người tốt.
Nếu bây giờ y thấy một đám người lớn đang nhổ cỏ, có lẽ sẽ không xúc động như vậy. Nhưng bất kể người hay động vật đều sẽ có cảm tình với con nít.
Trong suy nghĩ của Trì Yến, trẻ con thì nên hưởng thụ sự yêu thương của cha mẹ, nếu không nghe lời thì cũng phải nhận được “sự yêu thương” của cha mẹ chúng.
Ngay khi Trì Yến còn chưa thể hoàn hồn, quản gia rất không đúng lúc mở miệng: “Mười đứa con nít được ba đứa sống đã rất tốt rồi. Nhưng nô lệ sẽ luôn sinh con, ngài không cần sợ nô lệ của lãnh địa ít đi.”
Trong mắt Trì Yến thì mấy đứa trẻ này là người kế thừa sinh mạng mới. Nhưng trong mắt quản gia, mấy đứa nhỏ này là đồ vật, thứ có thể mua bán trao đổi và có nhiều công dụng khác.
Có thì tốt, không có thì cũng chẳng cần phải đau lòng nuối tiếc.
“Bọn nó không có quần áo sao?” Trì Yến nghiêm túc hỏi.
Quản gia cũng nghiêm túc trả lời: “Ở đâu ra nhiều vải để may quần áo cho bọn chúng chứ? Vải rất mắc.”
Vải loại rẻ nhất cũng phải hai đồng, chỉ đủ làm tay áo.
Trì Yến: “Chúng ta không tự dệt vải được à?”
Y nhớ lúc trước khi học lịch sử, thu nhập của nhiều gia đình thời cổ đại phần lớn là nhờ dệt vải, có một thời gian dài vải còn thay thế chức năng của tiền dùng để trao đổi đồ dùng sinh hoạt và thức ăn, còn có thể dùng để nộp thuế. Vì vậy đối với một gia đình cổ đại mà nói, máy kéo sợi là tài sản vô cùng quan trọng.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất cũng bắt đầu từ máy kéo sợi Jenny.
Quản gia: “Nếu chúng ta có thể dệt vải thì đây chính là nơi phồn hoa nhất Tây bộ rồi.”
Được rồi, thì ra dệt vải cũng bị Thánh viện nắm độc quyền.
Trì Yến bỗng nhiên giữ chặt tay áo của quản gia, kéo ông về phía trước. Khuôn mặt già của quản gia đỏ lên, thành thành thật thật để y kéo đi.
Sau khi xác định bọn kỵ sĩ không nghe thấy họ nói chuyện, Trì Yến mới nhỏ giọng hỏi: “Chúng ta có thể lén dệt vải không?”
Quản gia lắc đầu, vẻ mặt đau đầu nhức óc nói: “Sao ngài lại hỏi chuyện này?”
Ngay sau đó lão cũng hạ giọng trả lời: “Dệt xong cũng không thể dùng để đổi đồ.”
Trì Yến: “Không thể tìm thương nhân hả?”
Quản gia sửng sốt, lần đầu tiên ông phát hiện ra thương nhân còn có tác dụng này. Vì thế ông đắn đo suy nghĩ, cảm thấy rất có hy vọng, thương nhân vào Nam ra Bắc không có chỗ ở nhất định. Với lại mấy nơi họ đi qua có hơi nguy hiểm có thể mất mạng bất cứ lúc nào, nên tin tức của họ khá an toàn.
“Nhưng chúng ta phải tìm máy kéo sợi ở đâu?” Quản gia hỏi vấn đề quan trọng nhất.
Trì Yến: “Chắc chắn Thánh viện sẽ có, lúc chúng ta đi xin Thánh viện phê duyệt thì có thể quan sát thử.”
Trì Yến tin rằng mình có thể nhớ kĩ cấu tạo rồi làm lại. Lúc nhỏ y tháo phụ kiện xe đồ chơi, rồi ráp lại như cũ dễ như trở bàn tay. Đây có thể xem như là kỹ năng thiên phú của y.
Nếu đã là thiên phú thì không thể lãng phí.
Hết chương thứ năm
Bình luận